Ngay tại khu vực, châu Á — Thái Bình Dương, nhiều quốc gia đã đặt niềm tin vào nó, bao gồm cả Trung Quốc và Indonesia.
Có thể nói Su-35 là dòng tiêm kích xuất khẩu tốt nhất của Nga hiện nay, nhỉnh hơn Su-30SME ở cả năng lực không chiến lẫn tiêu diệt mục tiêu mặt đất — mặt biển, là bước đệm cần thiết trước khi chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 đi vào sản xuất hàng loạt.
Tiêm kích mạnh dĩ nhiên phải có "thợ lái" đẳng cấp cao tương xứng. Nếu Việt Nam quyết định mua Su-35 với số lượng nhỏ, vấn đề phi công điều khiển là không đáng lo ngại vì sẽ có một vài phi công cấp 1 thuộc các đơn vị sử dụng Su-30MK2 hay Su-27 được điều động sang.
Nhưng nếu số lượng Su-35 lên tới cấp trung đoàn thì vấn đề mua sắm máy bay huấn luyện chuyên biệt cho nó là yêu cầu cấp thiết, vì kết cấu 1 chỗ ngồi của Su-35 không cho phép thực hiện công tác đào tạo phi công như trên Su-30MK2.
Theo các chuyên gia lúc này còn một phương án nữa có thể tính tới, đó là mua một số lượng nhỏ (2 — 4 chiếc) Su-30M2 kèm theo Su-35 để vừa làm máy bay chiến đấu trong đội hình hỗn hợp, vừa phục vụ công tác đào tạo phi công.
Trong Không quân Nga, Su-30M2 còn có tên gọi không chính thức là Su-35UBM do hai loại tích hợp nhiều thành phần tương đồng và có kết cấu buồng lái 2 chỗ ngồi, cho nên nó vẫn được sử dụng để huấn luyện chuyển loại hay phục hồi bay cho phi công Su-35S.
Nga hiện không bán Su-30M2 ra nước ngoài, nhưng nếu đối tác mua Su-35 với số lượng lớn thì chắc chắn chính sách sẽ có thay đổi.
Tính năng của Su-30M2 mặc dù thua Su-35 nhưng vẫn cao cấp hơn Su-30MK2.
Theo: Báo Đất Việt