Tại khoản 5 điều 6 của Thông tư này đã hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất.
Trường hợp này chỉ áp dụng đối với tài sản là của chung nhiều người trong gia đình. Trường hợp là tài sản chung của vợ và chồng thì ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào sổ đỏ, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người theo quy định tại khoản 4 điều 98 của luật Đất đai. Trường hợp cấp sổ đỏ đối với đất là tài sản của cá nhân thì phải ghi họ, tên của cá nhân đó.
Theo quy định tại khoản 29 điều 3 luật Đất đai thì "hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất".
Bộ Tài nguyên — Môi trường cho rằng, nội dung quy định tại khoản 5 điều 6 của Thông tư này là phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 98 của luật Đất đai: "Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".
Theo Bộ Tài nguyên — Môi trường, quy định này nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành luật Đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.
Do khi xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình chưa xác định rõ các thành viên có chung quyền sử dụng đất nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình…
Bộ Tài nguyên — Môi trường cho rằng, quy định nêu trên của Thông tư sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Cần nêu rõ trong thông tư để tránh hiểu nhầm
Luật sư Đỗ Văn Giáp, Giám đốc Công ty luật GiapLaw & Partners thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, Thông tư 33 cần nêu rõ không phải đưa tên người trong hộ mà đưa tên của những người cùng có quyền sử dụng đất vào trong một sổ đỏ. Như vậy sẽ rõ ràng hơn, không gây hiểu lầm, phản ứng của người dân. Như vậy, sẽ tồn tại 2 loại sổ đỏ: loại sổ đỏ một người đứng tên và sổ đỏ nhiều người đứng tên chủ.
Cũng theo luật sư Giáp, trước đây quy định của Nhà nước không để đầy đủ tên của những người cùng có quyền sử dụng, sở hữu tài sản trên sổ đỏ. Nay Bộ Tài nguyên — Môi trường đưa ra quy định như vậy, nếu sổ đỏ của thửa đất nào có nhu cầu ghi tên đầy đủ các thành viên cùng có quyền sở hữu thì cơ quan địa chính phải cho thêm tên vào.
"Bộ Tài nguyên — Môi trường có thể bổ sung hướng dẫn, việc ghi tên đủ các thành viên cùng có quyền sở hữu này chỉ tiến hành khi người dân có yêu cầu", luật sư Giáp kiến nghị.
Nguồn: Thanh Niên