Theo lời Tổng thống Donald Trump: "Tôi đã nói trước đó, như bạn biết, một tên lửa vừa được bắn vào Saudi Arabia từ phía Yemen. Và một trong những hệ thống tên lửa của chúng tôi bắn hạ nó. Thậm chí không ai biết điều gì đã xảy ra. Và tên lửa đã nổ trên không trung; nó bị bắn hạ như chưa từng có gì xảy ra".
Mặc dù còn một số điều tiếng và chưa đạt tỷ lệ trúng đích 100% với 1 quả đạn đánh chặn duy nhất, nhưng vẫn phải ghi nhận rằng PAC 3 là hệ thống duy nhất trên thế giới đã trải qua thực chiến và có hiệu quả thực sự trong việc phòng chống tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên gần đây còn có thông tin từ phía Nga cho biết Việt Nam có thể sẽ sớm đặt hàng tổ hợp phòng không tầm xa tối tân S-400 Triumf, vậy có là thừa thãi nếu trang bị cả PAC 3 lẫn S-400?
Đầu tiên phải nhận định rằng vai trò của PAC 3 và S-400 là hoàn toàn khác nhau.
Trong khi PAC 3 có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu và đây gần như là chức năng duy nhất của nó thì S-400 đa năng hơn nhưng lại thiên về chống máy bay.
Đối với S-400, vai trò chính của nó là chống máy bay, có chức năng chống tên lửa đạn đạo nhưng không mạnh bằng PAC 3 vì đạn 48N6 thích hợp để bám theo mục tiêu có tốc độ chậm hơn nó ở các dải độ cao khác nhau.
Tác chiến chống tên lửa đạn đạo không yêu cầu tên lửa đánh chặn có khả năng đổi hướng tốt bởi vì vận tốc cực lớn của phi đạn khiến cho thời gian quay ngoặt có tốt đến mấy cũng bị trễ và tạo ra độ lệch hàng trăm mét, vì vậy thuật toán của đài radar dẫn bắn là đòi hỏi cốt lõi, khía cạnh này thì PAC 3 tỏ ra nhỉnh hơn S-400.
Như vậy có thể thấy rằng S-400 và PAC 3 là hai tổ hợp có chức năng bổ sung cho nhau rất tốt, không dẫm chân nhau khi thực hiện nhiệm vụ.
Trước đó đã từng có chuyên gia quốc tế nhận định cho rằng Việt Nam nếu sau khi mua S-400 sẽ "ngắm" tổ hợp David's Sling của Israel cho vai trò chống tên lửa đạn đạo, để S-400 có thể rảnh tay diệt máy bay và tên lửa hành trình phóng từ trên không, nhưng với diễn biến mới này thì PAC 3 cũng là ứng viên được nhắc tới.
Theo: Báo Đất Việt