Báo chí Trung Quốc đã theo sát và đưa tin về 2 vụ thử nghiệm mới đây của tên lửa Akash, cả 2 lần phóng đều đã đánh trúng mục tiêu, cho thấy sự sẵn sàng chiến đấu và năng lực đáng nể của vũ khí trên.
Tên lửa phòng không Akash có chiều dài 5,8 m; đường kính 0,72 m; trọng lượng 580 kg với đầu đạn nặng 50 kg; tầm bắn tối đa 30 km; trần bay 18 km.
Hệ thống được tích hợp sẵn radar cảnh báo sớm và radar điều khiển hỏa lực do Ấn Độ chế tạo trong nước, đây là một trong những niềm tự hào của quốc gia Nam Á.
Ngoài các ưu điểm như tầm bắn xa, khả năng cơ động cùng với chống chế áp điện tử tốt, khung gầm xe mang phóng đa dạng, có thể trang bị cho cả Lục quân lẫn Không quân… thì Trung Quốc lại xoáy sâu vào nhược điểm sau của Akash.
Cụ thể, nhiên liệu lỏng có nguy cơ cháy nổ rất cao, cho nên khi hành quân thì tên lửa buộc phải rút cạn nhiên liệu ra ngoài, đến nơi tập kết mới nạp lại để đưa vào trạng thái trực chiến. Bên cạnh đó, tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng có độ bền khung thân kém vì bị ăn mòn nghiêm trọng.
Hiện nay các tên lửa phòng không chủ yếu dùng nhiên liệu rắn, khiến chúng có thể cơ động dễ dàng trên đường hành quân, kể cả qua các dạng địa hình phức tạp mà vẫn đảm bảo độ an toàn ở mức cao.
Báo chí Trung Quốc nhận xét rằng Ấn Độ chưa làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn, họ vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài trong việc tiếp thu công nghệ này.
Hoặc còn một nguyên nhân nữa đó là vì thời gian phát triển Akash quá dài, lên tới hơn 30 năm khiến nó bị lạc hậu ngay khi mới vào biên chế, dẫn tới tiềm năng xuất khẩu bị đánh giá là khá u ám, khác hẳn với những loại vũ khí có yếu tố nước ngoài của Ấn Độ như BrahMos hợp tác với Nga hay MR-SAM liên kết sản xuất cùng Israel.
Nguồn: Báo Đất Việt