Cụ thể, những chiếc chiến xa trên lắp giáp hông tương tự T-90SM, đó là các module của giáp phản ứng nổ thế hệ 3 Relikt, bên cạnh đó tháp pháo cũng được bổ sung giáp phụ và giáp lồng ở mặt sau.
Cấu hình này theo đánh giá đã đem lại khả năng bảo vệ vượt trội cho T-72B3, thậm chí không thua kém gì T-90MS, đồng thời mức độ thẩm mỹ của nó cũng tăng lên nhiều so với trước.
Sau khi công bố gói hiện đại hóa trên, nhận thấy sự thành công đồng thời giá thành vẫn ở mức chấp nhận được (gia tăng không nhiều so với khi mang giáp thế hệ cũ), người Nga đã triển khai trên quy mô lớn đối với các xe tăng T-72 của mình.
Thậm chí cách làm đó còn được ứng dụng trên một dòng chiến xa khác là chiếc T-80BVM hiện đại hóa từ T-80BV. So với T-72B3 đời 2017 thì T-80BVM còn ưu việt hơn ở chỗ được lắp giáp phản ứng nổ Relikt ở xung quanh tháp pháo thay cho Kontakt 5.
Lúc này có lẽ vấn đề được quan tâm là liệu những chiếc xe tăng T-90S và T-90SK Việt Nam đặt mua từ Nga đang trong quá trình giao hàng có được tích hợp sẵn loại giáp thế hệ mới tiên tiến này, hay vẫn "đơn sơ" như T-90 cấu hình cơ bản.
Hiện tại chưa có thông tin cụ thể liên quan tới bất cứ cấu hình vũ khí trang bị nào trên các chiến xa sắp gia nhập biên chế Việt Nam. Tuy nhiên trước khi chính thức công bố hợp đồng mua T-90S/SK thì mọi dự đoán đều cho rằng chúng ta sẽ lựa chọn biến thể T-90MS.
Việc Việt Nam "chốt" đơn hàng T-90S có thể do vẫn giữ thói quen mua sắm cũ là ưu tiên những vũ khí đã chứng minh được năng lực qua thời gian dài hoạt động, nhưng khi đã quan tâm tới T-90MS thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ đề nghị lắp loại giáp tích hợp trên chiếc chiến xa này cho T-90S/SK của mình.
Hy vọng rằng sẽ sớm có những hình ảnh đầu tiên về xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK của Việt Nam để đưa ra được cái nhìn toàn cảnh chính xác nhất.
Theo: Báo Đất Việt