"Các em hãy thử làm mấy phép cộng này", Văn Tấn Hoàng Vỹ kể lại buổi lên lớp đầu tiên của anh trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với PV. Nhìn về phía gần 30 học sinh, Vỹ nhận thấy vài em đang xòe hai bàn tay ra để tính toán, có đứa thậm chí đã cởi cả giày và lẩm nhẩm đếm ngón chân.
Kết thúc năm học trước, chỉ 33% trong số những học sinh này vượt qua được bài kiểm tra Toán chuẩn hóa của bang Texas. Năm 2008 là năm đầu tiên cải tổ của trường trung học Sam Houston sau 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức "không thể chấp nhận", mức thấp nhất trên thang xếp hạng tín nhiệm 4 bậc. Thầy giáo Văn Tấn Hoàng Vỹ, vừa tốt nghiệp khoa Toán tại trường đại học danh tiếng Imperial College của Anh, là một trong số những giáo viên trẻ được tuyển về để giúp Sam Houston "thay máu".
Vỹ nhớ lại năm học đó anh tiếp quản 7 lớp với gần 200 học sinh. Trong số đó, "không ít em lớp 11 nhưng kiến thức môn toán chỉ như học sinh lớp 6-7", Vỹ nói. "Ngay sau tuần đầu tiên, tất cả nội dung giáo trình tôi soạn trong ba tháng hè phải bỏ hết". Vỹ quyết định không chạy theo giáo án ở bên trên áp xuống mà tự điều chỉnh thời gian, khối lượng và nội dung bài học theo năng lực của học sinh.
Cách làm của thầy giáo trẻ thực sự có kết quả. Vào đầu năm học 2008, nhiều học sinh gặp khó khăn với những phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản, có em không biết tam giác có mấy cạnh hay làm sao để tìm ra bán kính của hình tròn khi đã biết đường kính. Nhưng đến cuối năm học đó, các em đã có thể dễ dàng giải được những phương trình bậc ba, bậc bốn. Và 100% học sinh do Vỹ kèm cặp vượt qua bài thi cuối cấp, thậm chí còn là nhóm học sinh đạt điểm môn Toán cao nhất của trường. Hàng năm, bang Texas tổ chức kỳ thi xét năng lực học sinh trung học, bao gồm Toán, tiếng Anh, Khoa học và Xã hội. Và để tốt nghiệp, học sinh thường phải thi qua kỳ thi này vào cuối năm học lớp 11.
"Có thể nói lúc đó tôi dạy các em kiến thức của 4 năm dồn trong một năm", Vỹ nhìn lại thử thách đầu tiên của nghề giáo.
Vượt qua 'lời nguyền' của môn Toán
"Chán nản vì trượt quá nhiều nên chúng dần hình thành thái độ bỏ cuộc, buông xuôi. Môn Toán trở thành lời nguyền, nỗi ám ảnh. Trong đầu các em sẵn có suy nghĩ rằng mình sẽ luôn thất bại và không bao giờ thi qua được".
Việc đầu tiên Vỹ làm là cho học sinh "nếm vị ngọt của thành công". Anh "chẻ nhỏ" kiến thức về mức cơ bản, biến một bài toán phức tạp thành nhiều bài toán đơn giản. Trong quá trình giải các bài toán đó, học sinh vừa từng bước lấp lỗ hổng kiến thức vừa dần dần có được sự tự tin.
"Tôi không dạy các em nhớ công thức một cách máy móc. Tôi hướng dẫn học sinh của mình cách tư duy và giải quyết vấn đề. Tôi kiên trì cùng chúng xây dựng kiến thức nền thật vững nhằm chuẩn bị cho những bài toán phức tạp hơn", Vỹ chia sẻ.
Elsa Arredondo, năm nay 24 tuổi, kể suốt hai năm cuối cấp trung học, "thầy Vỹ ngày nào cũng có mặt ở trường từ 6h sáng và ở lại sau giờ học đến 6h tối phụ đạo cho những học sinh chưa hiểu bài học của ngày hôm đó".
Muốn học sinh dễ dàng liên hệ kiến thức toán học với cuộc sống thực tế, Vỹ nghĩ ra đủ "chiêu trò". Khi dạy đến vẽ đồ thị, Vỹ giăng dây mô phỏng trục tọa độ trong lớp, rồi phát cho mỗi học sinh một mảnh giấy ghi hai con số tọa độ và yêu cầu các em tìm chỗ ngồi dựa trên "manh mối" đó. Thầy giáo trẻ sáng tác không ít bài hát để giúp học sinh ghi nhớ các công thức hình học. Hoặc trước khi giảng về khái niệm ma trận, thầy bước vào lớp với áo choàng đen, đeo kính đen và vuốt tóc ngược ra sau cho giống nhân vật trong bộ phim nổi tiếng của Hollywood "Ma trận".
Học sinh trong giờ học Toán với thầy Văn Tấn Hoàng Vỹ. Trên tường bên trái là tấm bảng "Students' Dreams" dán ước mơ của tất cả học sinh trong lớp. Ảnh: NVCC.
"Em chưa bao giờ gặp một giáo viên nào nhiệt huyết với học sinh như thế", Arredondo, hiện làm y tá, viết trong một lá thư cảm ơn gửi thầy giáo cũ.
Arredondo định nghỉ học từ năm lớp 9 sau khi thi trượt ba trên tổng số 4 môn trong kỳ thi đánh giá năng lực của bang. "Tôi cảm thấy cuộc đời mình như thế là bỏ đi", Arredondo nhớ lại cảm giác thất bại. Vài phút sau khi gửi tin nhắn cho cô giáo chủ nhiệm thông báo việc bỏ học, Arredondo nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Chính là thầy Vỹ gọi để thuyết phục cô bé 19 tuổi rằng còn rất nhiều cơ hội để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và rằng nếu bỏ học bây giờ, sau này cô sẽ hối tiếc.
Số liệu thu thập vào năm 2004 của Cục Thống kê Tư pháp Mỹ cho thấy 67% tội phạm tại các nhà tù tiểu bang, 56% tội phạm trong các nhà tù liên bang và 69% tội phạm bị tạm giam ở địa phương đều không học hết trung học. Còn theo một báo cáo do trung tâm nghiên cứu thị trường lao động của đại học Northeastern, Mỹ thực hiện năm 2009, cứ 1 trong 10 học sinh nam bỏ học sẽ vào tù hoặc trại cải tạo thiếu niên phạm pháp, trong khi đó tỉ lệ này của nhóm tốt nghiệp trung học là 1/35. Nghiên cứu này cũng chỉ ra 54% thanh thiếu niên từ 16-24 chưa tốt nghiệp cấp ba rơi vào tình trạng thất nghiệp, tỉ lệ này đối với nhóm học hết trung học là 32% và nhóm tốt nghiệp đại học là 13%.
"Chỉ bố mẹ mới là người bận tâm, khuyên răn bạn không được bỏ học. Không có nhiều thầy cô giáo tốn thời gian vì bạn như thế. Nếu không có cuộc điện thoại đó, không hiểu giờ đây tôi đang ở đâu nữa?", Arredondo tâm sự.
Giáo dục bằng yêu thương
"Không em nào thức dậy mỗi sáng và muốn mình là kẻ thất bại. Nhưng với đa phần học sinh của tôi, 'ngày mai ăn gì' quan trọng hơn 'làm sao để đạt điểm A'. Đơn giản là cuộc sống đôi khi không cho chúng cơ hội", thầy Vỹ nhớ lại những lứa học trò đã kèm cặp trong suốt 4 năm ở trường Sam Houston.
Một lần, chuyên gia tư vấn giáo dục được mời về trường trò chuyện về chủ đề hướng nghiệp. Chuyên gia này yêu cầu tất cả học sinh có mặt trong hội trường lớn đứng cả lên, sau đó, bắt đầu đặt câu hỏi. Câu thứ nhất là: "Em nào có bố mẹ từng tốt nghiệp cấp ba thì đứng nguyên, còn không hãy ngồi xuống", một nửa hội trường ngồi xuống. Tiếp theo, chuyên gia hỏi học sinh nào có bố mẹ học hết đại học hệ hai năm, chỉ còn khoảng 4 học sinh đứng. Và khi hỏi ai có cha mẹ tốt nghiệp đại học hệ 4 năm thì chỉ còn lại một học sinh.
Hơn 90% học sinh ở Sam Houston là người Mỹ gốc Cuba, Mexico, Puerto Rico, Nam hoặc Trung Mỹ. Các gia đình này thường đông con và muốn con học lớp 10-11 bắt đầu đi kiếm tiền về phụ giúp cho cha mẹ.
"Bố mẹ em không bao giờ hỏi han xem em học hành ở trường như thế nào. Còn em thì luôn khao khát được gia đình quan tâm", Brittany Cantu tâm sự mình là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Vì nghĩ "chỉ khi em vấp ngã thì gia đình mới chú ý và kéo em đứng dậy", Cantu trở thành học sinh cá biệt.
"Không làm bài tập trở thành việc xảy ra như cơm bữa", Cantu nói trường học trở thành nơi trút mọi bực dọc. Biết Cantu không nghe giảng, thầy Vỹ gần như ngày nào, cũng gọi cô học sinh lên bảng giải bài mẫu trước lớp. Những lần đầu tiên, cô cảm thấy hình như ông thầy châu Á này cố tình làm cho mình mất mặt trước các bạn. Nhưng cứ như thế, vài tuần trôi qua, Cantu bắt đầu tự giải được bài tập.
"Tôi đã không còn bị tụt lại so với những người khác trong lớp nữa", Cantu nhớ lại vị ngọt của thành công đầu tiên. Cảm giác hạnh phúc đó thúc đẩy cô bé ở lại trường sau giờ để học phụ đạo không chỉ Toán mà các môn khác. Sau một năm, khi cầm bảng điểm tổng kết trên tay, Cantu mới nhận ra cô không chỉ đủ điểm qua mà còn đạt điểm A và B ở hầu hết các môn học.
"Thầy Vỹ không đánh giá, không phán xét và không nhìn tôi như một kẻ yếu đuối. Thầy hiểu và giúp tôi học cách vượt qua nỗi đau để thành công", Cantu nhớ lại lời khuyên của thầy rằng: "Nếu thực sự em chán ghét những lúc ở nhà đến thế, hãy yêu những lúc học ở trường đi vậy. Hãy biến nó thành động lực để vươn lên. Học hành sẽ cho em lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại".
Cantu là một trong số hàng trăm học sinh ở Sam Houston cứ ngỡ mình sẽ không thể tốt nghiệp cấp ba nhưng cuối cùng đã đỗ vào đại học hệ 4 năm. Không chỉ truyền đạt kiến thức, Vỹ còn giúp học sinh thay đổi thái độ sống và tạo được ý thức học bằng đam mê.
Năm nào, vào ngày khai giảng, Vỹ cũng yêu cầu học sinh dán ước mơ của mình lên một tấm bảng. Những ước mơ sẽ treo ở đó suốt cả năm học để các em không quên dù đó là mơ ước trở thành bác sĩ hay mơ ước kiếm đủ tiền nuôi mẹ. Vỹ thường xuyên đi rửa xe ôtô cùng cả lớp vào cuối tuần, rồi dùng số tiền kiếm được tổ chức các chuyến tham quan một số trường đại học danh tiếng trong bang, để các em có một ngày trải nghiệm không khí học tập và nghiên cứu ở bậc đại học, từ đó nuôi dưỡng khát khao tiếp tục học lên cao.
"Lần đầu gặp, tôi chẳng ưa thầy chút nào. Nhưng sau này tôi mới hiểu tại sao thầy luôn nghiêm khắc như thế, nghiêm khắc từ phút đầu tiên cho đến phút cuối cùng để 'thu phục' những đứa học sinh 'gây rối' như tôi", Brittany Cantu chia sẻ trong lá thư gửi vội cho ban giám hiệu trường Sam Houston khi biết tin thầy Vỹ sắp nghỉ dạy.
Mở trường học cho trẻ em Việt Nam ở Mỹ
"Ngay khi bước chân vào Stanford, tôi đã có mộng mở trường giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ", Vỹ chia sẻ.
Theo Vỹ, tư tưởng của các ông bố bà mẹ Việt Nam từ xưa đến giờ, dù sống ở Việt Nam hay ở Mỹ cũng vậy, rất quan trọng thành tích học tập trên trường nên tạo áp lực lớn lên con cái.
"Điều này vô tình làm cho các em hiểu sai mục đích của việc học và đánh mất đam mê với học hành", Vỹ nói. "Với tôi, thay đổi tư tưởng của phụ huynh để họ hiểu được triết lý giáo dục hướng tới sự phát triển lâu dài của con cái là điều khó khăn nhất khi mở một trường học".
Văn Tấn Hoàng Vỹ đưa học sinh tới tham quan nông trại Oil Ranch, phía bắc Houston, Texas vào tháng 7/2017. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, khi tìm hiểu môi trường học tập và lớn lên của các gia đình Việt Nam ở hải ngoại, Vỹ nhận thấy rào cản ngôn ngữ và những phức tạp của chương trình học của Mỹ khiến nhiều cha mẹ bất lực trong việc dõi theo và giúp đỡ con học tập.
"Một học sinh kể với tôi rằng bố mẹ nói tiếng Việt còn em chỉ nói tiếng Anh. Mỗi lần bố mẹ la rầy chuyện điểm số, em nghe nhưng không hiểu hết, nghe riết thành nhàm nên cuối cùng chọn cách bỏ ngoài tai. Khoảng cách cha mẹ và con cái vì vậy ngày càng xa. Đến một lúc, cả hai bên đều bỏ cuộc, không đối thoại nữa".
Vào tháng 1/2016, Vỹ mở trường tại thành phố Houston, bang Texas theo mô hình phụ đạo sau giờ học cho trẻ em Việt Nam sống tại Mỹ, học từ lớp một đến lớp 12. Vỹ dự định sẽ nhân rộng mô hình này sang San Francisco, bang California nơi cũng tập trung đông người Việt Nam sinh sống.
"Sau giờ học nghĩa là sau 3h15 chiều khi phụ huynh đón con về, sẽ chở con đến trường, các em sẽ nghỉ một lúc rồi ăn chiều, sau đó, giáo viên sẽ kèm cho các em kiến thức cần bổ sung", Vỹ cho biết. "Riêng với học sinh trung học sẽ ôn luyện để chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn hóa và thêm các kỹ năng tìm học bổng vào đại học".
16 tuổi, cậu học trò chuyên Toán Văn Tấn Hoàng Vỹ từ Nha Trang bay sang Anh du học. Vào đại học, nhân các dịp nghỉ hè, cậu theo giáo sư đi dạy tình nguyện ở những khu dân cư nghèo.
"Lúc đứng lớp, tôi thấy vui và có cảm xúc kỳ lạ, là thứ mà trước giờ mình chưa từng có được. Sau đó, tôi về nói với gia đình rằng tôi quyết định sẽ trở thành giáo viên. Tôi chỉ muốn được làm công việc mà tôi thích và không còn mơ ước gì hơn nữa", cậu học trò 16 tuổi ngày nào nay đã trở thành hiệu trưởng 32 tuổi nhớ lại.
Nguồn: Vnexpress