Chương trình trên có tổng giá trị 200 triệu Euro (tương đương 235 triệu USD, tức là bình quân 40 triệu USD cho mỗi tàu) thông qua Công ty Cenzin trực thuộc Tập đoàn Armaments của Ba Lan (PGZ).
Theo hợp đồng, Công ty Đóng tàu Remontowa ở Gdańsk sẽ chịu trách nhiệm thi công 2 tàu đầu tiên, trong khi 4 chiếc thuộc lô thứ hai sẽ được xây dựng tại Việt Nam, phía Ba Lan sẽ chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cũng như cung cấp các trang thiết bị cần thiết.
Theo hình ảnh đồ họa do Marine Design & Consulting Remontowa thiết kế thì tàu SAR 7001 có kích thước tương đối lớn với sàn đáp đủ sức tiếp nhận trực thăng cứu hộ hạng trung, ước tính lượng giãn nước của con tàu sẽ ở mức trên 1.000 tấn, thậm chí xấp xỉ 2.000 tấn.
Trước đó, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc với phía Ba Lan trong năm 2016 để thảo luận các điều khoản và dẫn tới kết quả đáng mừng như ngày hôm nay.
Thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến là 4 năm nhưng có thể thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào tiến độ thực tế trong từng công đoạn.
Trong giai đoạn đầu những năm 2000 giữa hai nước đã tiến sát tới hợp đồng mua lại các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1 hay cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22M4.
Theo báo chí nước ngoài, bằng việc Ba Lan cấp tín dụng đóng tàu cho Việt Nam, không loại trừ khả năng trong tương lai một số vũ khí, khí tài tối tân do Warsaw sản xuất sẽ được Hà Nội lựa chọn, hoặc bạn sẽ giúp nâng cấp các phương tiện quân sự có từ thời Liên Xô do đây là thế mạnh của quốc gia này.
Thực hiện chủ trương đa phương, đa dạng hóa, lực lượng vũ trang Việt Nam đang ngày càng tiến vững chắc trên con đường hiện đại hóa với sự hợp tác của nhiều đối tác đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nguồn: Jane's, Báo Đất Việt