Các cá nhân khác bị đề nghị kỷ luật có: ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2015; ông Đỗ Văn Đạo, nguyên thành viên HĐQT PVN từ tháng 12/2006 đến năm 2009; ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thành viên HĐTV PVN từ tháng 11/2010 đến tháng 3/2015.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những cá nhân này tuy không phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu nhưng phải chịu hình thức kỷ luật khiển trách. Các cá nhân này không chỉ liên quan đến các sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ mà còn bị đánh giá chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc giám sát người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp như: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty CP nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung, Công ty CP Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí để xảy ra các sai phạm trong quá trình triển khai các dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án năng lượng sinh học Phú Thọ, Dung Quất…
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm tại 3 dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ; dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ; dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất. "Bộ Công an phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chọn một số vụ án, vụ việc tham nhũng điển hình để tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu.
Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2014, nhà máy này bị lỗ đến 164 tỷ đồng và phải tạm dừng hoạt động gần 2 năm nay. Sau khi nhà máy dừng hoạt động, nhiều cán bộ, nhân viên và kỹ sư của nhà máy đã lần lượt bỏ đi. Những hàng quán một thời sầm uất phía ngoài nhà máy trước đây cũng vì thế mà tiêu điều theo trong khi bên trong nhà máy cỏ dại bắt đầu mọc um tùm, nhiều hạng mục trong nhà máy ngàn tỷ bắt đầu xuất hiện rỉ, sét.
Đáng chú ý, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất cũng là dự án trước đó đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm và đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.
Liên quan đến việc xử lý vấn đề thua lỗ của 3 dự án này, mới đây Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều kịch bản "giải cứu" khác nhau để báo cáo Chính phủ. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi được Bộ Công Thương đề xuất phương án cho Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) chuyển nhượng, thoái vốn, bán đấu giá để xử lý thua lỗ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương án, cần phải thực hiện tính toán khởi động lại nhà máy và xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán Dự án đầu tư xây dựng nhà máy. Cùng đó cần thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thông qua các cơ chế, chính sách của nhà nước.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ; dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ; dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất là 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn. Trong số 3 dự án này, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất bên cạnh việc đội vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng và bị lỗ 200 tỷ đồng sau một năm hoạt động và phải ngừng được coi là một "bài toán khó" trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương.
Nguồn: Tiền Phong