Quyết định xử phạt có "mùi"
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra việc ông Trịnh Văn Quyết — Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) bán "chui" 57 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 65 triệu đồng là không thể chấp nhận được.
Bởi việc ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" lượng cổ phiếu lớn gây thiệt hại lớn cho các nhà nhà đầu tư nhỏ lẻ và làm méo mó thị trường chứng khoán. Hành vi đó phải xử thật nặng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có.
Văn bản của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cũng đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng xem xét và đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm rõ mức phạt trên đối với ông Trịnh Văn Quyết.
Đồng thời, văn bản trên cũng nêu rõ "Theo Luật Chứng khoán hiện hành, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người phụ trách khối Thanh tra Chứng khoán, là người trực tiếp ký các quyết định xử phạt.
Với trường hợp ông Trịnh Văn Quyết thì trách nhiệm xử lý thuộc về Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước".
Thông tin đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Trịnh Văn Quyết bị xử phạt hàng chục triệu đồng vì bán "chui" cổ phiếu FLC đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ.
Theo một số chuyên gia chứng khoán khi được phóng viên tham vấn thì cho rằng cách bán cổ phiếu "thiếu đàng hoàng" của ông Trịnh Văn Quyết phản ánh thực tế thị trường chứng khoán hiện nay bộc lộ những kẽ hở gây nguy hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và làm méo mó giá cả cổ phiếu.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải — Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam bày tỏ sự bức xúc trước việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành vi bán "chui" lượng cổ phiếu lớn của ông Trịnh Văn Quyết như "gãi ghẻ" và không thấm vào đâu so với khoản lợi ông Quyết bán "chui" thu về.
Câu hỏi đặt ra là vì sao đại gia chứng khoán như ông Trịnh Văn Quyết lại bán "chui" lượng cổ phiếu lớn như vậy?
Ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích: "Đối với những giao dịch chứng khoán của cổ đông có liên quan đều phải công bố thông tin với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán trước khi thực hiện giao dịch. Bởi việc mua vào hay bán ra với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Nếu ông Trịnh Văn Quyết công bố công khai bán 57 triệu cổ phiếu (tương đương 9% vốn điều lệ của FLC), đây là lượng cổ phiếu lớn mà ông Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC thì lập tức thị trường chứng khoán sẽ phản ứng.
Thông thường lượng bán cổ phiếu nhiều thì giá cổ phiếu sẽ theo chiều hướng xuống, giá cổ phiếu FLC sẽ bị giảm giá.
Trong khi đó với lượng lớn cổ phiếu FLC lớn công bố bán ra như vậy sẽ diễn ra cả tháng. Và số tiền bán cổ phiếu sẽ không được như bán "chui"".
Đề nghị xử lý hình sự thao túng thị trường chứng khoán
Như vậy, từ phân tích trên có thể thấy việc ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" có lợi cả trăm tỷ đồng so với bán công khai. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng mức phạt với hành vi này 65 triệu đồng được cho là quá nhẹ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải nói thẳng: "Nếu như anh làm ăn đàng hoàng thì sẽ không dám bán "chui" bởi sẽ bị phạt và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc bán "chui" đó. Như vậy sẽ chẳng ai dại gì mà bán "chui" cổ phiếu.
Trong việc xử phạt vi phạm này của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều dấu hiệu khó hiểu, có hay không việc cố tình bỏ lọt hành vi vi phạm. Việc này chúng tôi đã kiến nghị bằng văn bản lên Bộ Tài chính".
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt 130 triệu đồng đối với doanh nghiệp của đại gia họ Trịnh là Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros. Ông Trịnh Văn Quyết hiện vừa là cổ đông lớn nhất vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC và FLC Faros.
Quyết định xử phạt đối với FLC Faros vì hành vi dự kiến bán hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD) từ ngày 20 — 24/10 nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch..
Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng đợt ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt, bà Lưu Hải Anh, Kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong — Kiên Giang (SKG) cũng đã bị xử phạt 450 triệu đồng vì đã bán "chui" 5.400 cổ phiếu SKG trước khi công ty này công bố thông tin bị xử phạt thuế.
Hành vi này giúp bà Hải Anh thu về khoản lợi nhuận 85 triệu đồng.
Đáng nói, trường hợp ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" 57 triệu cổ phiếu, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đề cập đến xử phạt vi phạm hành chính số tiền 65 triệu đồng.
Còn số tiền thu về khoản lợi nhuận bao nhiêu từ hành vi bán "chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không hề đề cập trong biên bản xử phạt.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng không đề cập đến việc áp dụng biện pháp khắc phục bằng việc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do hực hiện hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết.
Như vậy, có thể thấy cùng một vấn đề bán "chui" cổ phiếu, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại áp dụng mức xử phạt và áp dụng khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là có hay không việc phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư với nhau trên thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?
Tiến sĩ — Luật sư Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh — Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: "Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề minh bạch thông tin, trách nhiệm đầy đủ của nhà đầu tư khi giao dịch.
Anh là doanh nghiệp niêm yết, khi mà anh giao dịch trên thị trường chứng khoán thì anh phải thực hiện trách nhiệm đầy đủ trong vấn đề minh bạch thông tin, sổ sách kế toán như thế nào…
Hiện, chúng ta đã có pháp luật điều chỉnh về vấn đề đó, nhưng thực tế việc thực thi pháp luật, cũng như giám sát cơ quan thanh tra giám sát còn yếu.
Hiện có hai cấp giám sát trên thị trường chứng khoán, thứ nhất là cấp giám sát thông qua sở giao dịch chứng khoán, cấp thứ hai là qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thực chất nếu qua hai cấp giám sát trên là khá chặt chẽ thì các hành vi như bán "chui" cổ phiếu như ông Trịnh Văn Quyết vừa qua khó có thể lọt được".
Tiến sĩ — Luật sư Bùi Quang Tín cũng chỉ ra: "Trên thực tế các hành vi vi phạm cơ quan giám sát có phát hiện được ngay, nhưng xử lý chưa nghiêm minh thì vẫn để tình trạng trên tái diễn.
Cơ chế xử lý vi phạm hành chính như mức hiện nay còn quá thấp nên nhiều người bất chấp vi phạm và chấp nhận mức nộp phạt".
Cũng theo Tiến sĩ — Luật sư Bùi Quang Tín, mức phạt cho hành vi bán "chui" cổ phiếu hay thao túng giá phải tăng lên thật mạnh để không còn tình trạng chấp nhận phạt để trục lợi.
Thậm chí, không chỉ xử phạt hành chính thật nghiêm mà cần thiết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, phải có chế tài đủ mạnh mới có thể cản được vấn đề thao túng giá trên thị trường chứng khoán.
Nguồn: Báo GDVN