Chủ tịch hội đồng quản trị chương trình iBosses tại Việt Nam Nguyễn Hữu Thái Hòa trong buổi ra mắt ra mắt cuốn sách IBosses — Thủ lĩnh thế hệ Y (bản tiếng Việt) đã nhận xét:
"Hiện nay Việt Nam đang rơi vào tình cảnh loạn khởi nghiệp".
Người trẻ Việt Nam khởi nghiệp khi họ theo đuổi thất bại mục tiêu được làm việc ở các công ty. Bởi khi họ tham gia tuyển dụng, ở đâu cũng hỏi: kinh nghiệm hành nghề khi người trẻ vừa tốt nghiệp Đại học.
Theo ông Hoà, với cách đào tạo hiện nay của các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam chỉ cung cấp về lý thuyết, thử hỏi làm sao giới trẻ vừa tốt nghiệp lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ muốn xin vào?
Ông Hòa hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược VNPT, từng đảm trách vai trò Giám đốc Chiến lược của tập đoàn FPT.
Chia sẻ về quá trình hợp tác với iBosses Singapore, ông Hòa cho rằng Việt Nam không chỉ đang trong tình trạng "loạn khởi nghiệp" và thiếu khung phát triển chung.
Chính vì vậy, một quy trình đào tạo bài bản có thể mang lại cơ hội thành công cho các start-up Việt cũng như tránh được những thất bại đáng tiếc do thiếu khả năng quản trị.
Theo Tiến sĩ Patrick Khor, Giám đốc điều hành iBosses Singapore, Singapore cũng đã từng lâm vào tình trạng như sinh viên Việt Nam.
Nhiều bậc cha mẹ ở Singapore thường hỏi con: "đã đi làm chưa, làm việc gì", nhưng nhiều bạn trẻ không trả lời được vì không biết phải làm gì. TS Khor cho biết, thế hệ trẻ Singapore bây giờ là "một thế hệ mất đi": mất niềm tin, động lực để phát triển, vì họ quá đầy đủ; họ suốt ngày chỉ biết chơi game và lướt facebook.
Theo TS. Khor, trước đây, chuyện khởi nghiệp tại Singapore và nhiều quốc gia cũng đang vướng vào những câu chuyện như tại Việt Nam hiện nay. Có điều, nhiều quốc gia, nhiều trường đại học đã tìm kiếm lý luận khởi nghiệp để tổ chức tốt hơn.
TS Khor thừa nhận rằng, dù có nhiều cơ hội, được đào tạo bài bản từ nhỏ, nhưng tại Singapore và nhiều quốc gia khác, 95% dự án khởi nghiệp thất bại! "Đừng có tham vọng về những dự án khởi nghiệp sẽ thành công. Nếu được, hãy giúp các bạn trẻ giảm bớt những rủi ro trong quá trình họ thực hiện mục tiêu", ông nhấn mạnh.
Sách khởi nghiệp iBosses của TS Patrick Khor cho rằng, muốn khởi xướng câu chuyện khởi nghiệp phải bắt đầu những bước đi đầu tiên: bắt đầu là truyền lửa, sau đó là trang bị kiến thức khởi nghiệp, tiến hành lập doanh nghiệp, sản xuất và phân phối hàng hoá trên thị trường.
Ba cấp còn lại dành cho doanh nghiệp đã phát triển và bước vào thị trường toàn cầu là: nhân rộng mô hình trên toàn cầu, gặt hái thành quả, và cấp cuối cùng là doanh nghiệp niêm yết. Những ai đạt được bậc cuối cùng sẽ là chuyên gia đào tạo lại lĩnh vực mà mình đã khởi nghiệp thành công.
Chủ tịch chương trình iBosses Việt Nam cho rằng, lý thuyết khởi nghiệp của Khor đã có 400 trường đại học sử dụng song song với việc đào tạo chương trình đại học.
Nếu Việt Nam đưa được chương trình này vào đại học, sẽ giúp sinh viên tiết kiệm thời gian từ 2 — 3 năm so với cách đào tạo thông thường hiện nay. Nếu được tiếp cận với lý thuyết khởi nghiệp trong môi trường đào tạo đại học, một sinh viên vừa học đại học vừa học và tiến hành khởi nghiệp.
Nguồn: Báo Đất Việt