Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (1968-2018), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. có bài viết: "Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 — Khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam'.
Thời gian dù lùi xa, nhưng âm hưởng của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang mãi. Nêu cao tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", dân tộc ta đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, khốc liệt của chiến tranh, kiên trì đấu tranh, kiên quyết tiến công giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
I
Cách đây tròn nửa thế kỷ, vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên Ðài Tiếng nói Việt Nam ngân vang những vần thơ chúc Tết hào sảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta".
Ðó là lời hiệu triệu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên khắp miền Nam, trọng tâm là Sài Gòn, Huế, Ðà Nẵng. Ðây là cuộc tổng tiến công đầy táo bạo, bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, là biểu hiện tập trung sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", từ giữa năm 1965, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và mở rộng đánh phá miền Bắc. Mặc dù huy động tới hơn một triệu quân, gồm quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu, chủ động mở hai cuộc phản công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam vào các mùa khô 1965 — 1966 và 1966 — 1967, nhưng quân và dân ta đã anh dũng đấu tranh, làm kẻ địch bị thất bại nặng nề và buộc phải chuyển sang thế bị động, phòng ngự về chiến lược. Ðến cuối năm 1967, Cách mạng miền nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực, tạo cục diện chiến lược có lợi cho ta.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc kẻ thù phải xuống thang, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận đàm phán Hội nghị bốn bên tại Pa-ri. Ðây là một bước ngoặt chiến lược, đưa cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta sang giai đoạn mới — Ta hoàn toàn giành quyền chủ động chiến lược. Ðó còn là cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước — "Bắc Nam sum họp một nhà".
II
Xây dựng thực lực cách mạng, trực tiếp là lực lượng vũ trang vững mạnh, khẳng định sức mạnh quân sự cũng là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi của quân và dân ta. Cùng với lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động tác chiến trên khắp các chiến trường, lực lượng chính trị quần chúng phát triển hùng hậu, rộng khắp trên các địa bàn đồng bằng, đô thị và rừng núi, được rèn luyện, thử thách qua nhiều năm chiến tranh và là lực lượng quan trọng trong đấu tranh chính trị. Hàng trăm nghìn cán bộ, đảng viên trung kiên được lựa chọn, bồi dưỡng, bí mật đưa vào các thành phố, thị xã để củng cố, phát triển cơ sở cách mạng và tổ chức chuyển vũ khí vào nội thành. Ðiều đó thể hiện tầm nhìn và sự chỉ đạo chiến lược sâu sắc của Ðảng ta về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng là thắng lợi của đường lối, nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân đặc sắc, độc đáo, sáng tạo; xây dựng, sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đánh địch cả trên ba vùng chiến lược; kết hợp giữa đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, đánh hiểm. Ðó còn là nghệ thuật về sự kết hợp các yếu tố bí mật, bất ngờ, táo bạo và sử dụng thời gian, không gian trong chiến tranh; trong đó nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự được thể hiện ở việc lựa chọn mục tiêu, bất ngờ đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân và dân ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công đại thành công", coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; huy động được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí tình của bạn bè quốc tế trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ðó cũng là sức mạnh đặc trưng của dân tộc Việt Nam được quy tụ và nhân lên bởi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
III
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang dựng nước, giữ nước của dân tộc, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực cao nhất phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế — xã hội theo các nghị quyết của Ðảng và Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng nhanh hơn, phát triển bền vững hơn trong những năm tiếp theo. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc; gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển đất nước; không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những bài học quý và tinh thần Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị và cần được vận dụng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðảng ta là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chúng ta phải luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới toàn diện của Ðảng; lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; quốc phòng và an ninh là trọng yếu; thường xuyên phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; ra sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thấm nhuần, nắm vững quan điểm, đường lối của Ðảng về bảo vệ Tổ quốc, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, vận dụng sáng tạo, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có đối sách, phương án phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Hai là, chú trọng xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới. Chúng ta phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ðây là một yêu cầu cấp thiết, vừa mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài đối với cách mạng Việt Nam; là trách nhiệm chính trị của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm tập hợp lực lượng, tạo động lực chính trị, tinh thần, trí tuệ, sức mạnh của toàn dân trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; bồi đắp niềm tin, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc ngay từ cơ sở.
Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Quân đội nhân dân Việt Nam phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Ðặc biệt, phải luôn giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội; xây dựng Ðảng bộ Quân đội và các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng và lực lượng; tổ chức, sắp xếp biên chế theo hướng tinh, gọn, cơ động, linh hoạt, đảm bảo phù hợp với điều kiện tác chiến mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục và đào tạo, hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng. Chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, nhất là đối với người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh.
Năm là, phát huy nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân vào xây dựng, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam hiện đại. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam trên cơ sở nghệ thuật quân sự truyền thống kết hợp với nghệ thuật quân sự hiện đại. Những bài học quý trong thiên sử vàng chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta về nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, trong đó cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 cần được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp trong bối cảnh tình hình mới, trong đó có các hình thức, quy mô, phương tiện chiến tranh hiện đại, tinh vi, sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh dân tộc có ý nghĩa quyết định, là cơ sở để tăng cường tranh thủ hiệu quả sức mạnh thời đại, và ngược lại, việc tận dụng sức mạnh thời đại là nhân tố phát huy tiềm năng, sức mạnh dân tộc. Chúng ta quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế — xã hội và phù hợp với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa. Ưu tiên xây dựng, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của
IV
Vinh quang trước hết thuộc về các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu đào của các thế hệ cha anh chúng ta tiếp tục bồi đắp, làm rạng rỡ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Ngọn lửa khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 luôn bừng cháy trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, thôi thúc chúng ta phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc đổi mới hôm nay, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Theo Báo chính phủ