Điểm khó trong vụ bé Nhật Linh: Tòa không xử theo cảm xúc đám đông!

© Ảnh : Báo SankeiBé gái L.T. Nhật Linh
Bé gái L.T. Nhật Linh - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Chuyên gia pháp lý Hirota Fushihara khẳng định chữ ký có giá trị pháp lý nhất định khi thẩm phán xem xét mức hình phạt cụ thể và tòa án Nhật không xét xử dựa vào cảm xúc đám đông.

Nhiều tuần qua, vụ án thương tâm của bé Lê Thị Nhật Linh tiếp tục thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Bố mẹ em đang tập hợp chữ ký của cộng đồng cả trong và ngoài nước để đề nghị xét xử nghi phạm Yasumasa Shibuya với khung hình phạt cao nhất là tử hình. 

Tin mới nhất về vụ xét xử nghi phạm sát hại bé Nhật Linh

Nhiều người đã không ngần ngại chia sẻ và kêu gọi cộng đồng hành động, mang lại công lý, thanh thản cho nạn nhân và gia đình. Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến thận trọng hơn, thậm chí tranh cãi gay gắt về mục đích, tính chất của việc xin chữ ký cũng như tác động của hoạt động này lên quá trình xét xử vụ án.

Ông Hirota Fushihara, tiến sĩ luật, chuyên gia pháp lý người Nhật Bản đang sống và làm việc tại Việt Nam đã chia sẻ để có cái nhìn rõ ràng và đầy đủ hơn về khía cạnh pháp lý vụ việc.  

- Nhiều người thắc mắc và tranh cãi về mục đích của việc gia đình bé Linh xin chữ ký: yêu cầu đưa vụ án ra xét xử, đòi tòa xử công bằng, hay là để thúc đẩy tiến trình xử án. Ý kiến của ông dưới góc độ chuyên gia pháp lý?

— Có nơi ghi bố mẹ cháu xin chữ ký để đòi xét xử vụ án là sai và không có cơ sở. Trước hết, theo thủ tục tố tụng hình sự của Nhật Bản, khi Viện kiểm sát gửi hồ sơ truy tố cho tòa thì tòa phải đưa ra xét xử.

Trong khi đó, theo luật tố tụng hình sự của Việt Nam, dù Viện kiểm sát truy tố, tòa vẫn phải đưa ra quyết định có đưa vụ việc vào xét xử hay không. Khi nào có quyết định rồi thì mới bắt đầu xét xử, đó là sự khác biệt.

Hiện nay, tòa án vẫn đang làm thủ tục tố tụng xét xử, chỉ có điều chưa mở ra phiên tòa công khai xét xử thôi. 

Theo tôi hiểu, bố mẹ cháu Linh không hề yêu cầu tòa mở xét xử. Bố mẹ cháu cũng hiểu rằng hiện nay tòa đang làm thủ tục chuẩn bị cho phiên tòa công khai.

Có nơi ghi là đòi tòa xét xử công bằng, rõ ràng ý của bố mẹ cháu Linh là mong muốn bị cáo nếu phạm tội thì hãy để họ chịu hình phạt cao nhất theo pháp luật Nhật Bản.

Chữ ký có giá trị pháp lý nhất định

Lê Thị Nhật Linh - Sputnik Việt Nam
ĐSQ Việt Nam tại Nhật thông tin về vụ án bé Nhật Linh
- Việc xin chữ ký này có được tòa án Nhật thừa nhận không? Có ý kiến cho rằng thu thập đủ chữ ký thì bị cáo sẽ chịu án tử hình, nhưng cũng có ý kiến khác nói việc làm này chỉ mang tính biểu trưng, không có giá trị pháp lý…

— Khi tòa án xác định người này có tội hay không thì đó là quá trình xem xét chứng cứ pháp luật để định tội danh và trong đó chỉ có chứng cứ khách quan hay chứng cứ vật chất. Trong phần này không bao giờ có chữ ký của người dân.

Khi nào tòa án thấy có đủ chứng minh rằng một người có tội, thì khi đó (người này) không còn là nghi phạm nữa, mà là phạm nhân rồi. Tòa án sẽ xem xét xem phạm nhân này nên nhận mức án thế nào. Và tòa án sẽ đưa ra phán quyết cả 2 phần một lúc, bao gồm cả việc xác định người này có tội hay không, và mức hình phạt phải như thế nào.

Theo pháp luật Nhật Bản, hiện nay, 3 tội danh đang được xem xét đối với bị cáo trong vụ này là: Tội giết người, tội cưỡng chế tình dục, tội hủy hoại thi thể. Trong 3 tội danh này, chỉ có duy nhất tội giết người có quy định rằng những người gây ra tội có thể phải chịu một trong ba loại hình: tù thời hạn 5 năm trở lên, tù không có thời hạn, hoặc tử hình. Nói nôm na là từ 5 năm trở lên đến tử hình.

Một điều mà chúng ta cần biết đến, đó là điều kiện và tiêu chí để tuyên án tử hình. Pháp luật hình sự của Nhật Bản không có quy định về những điều kiện, hoàn cảnh, hay tiêu chí về mặt pháp lý như thế nào thì tòa án có thể, cần phải tuyên án tử hình. Tuy nhiên, trong bản án trước đây của tòa án tối cao về một vụ việc giết người, đã được tuyên vào ngày 8/7/1983, tòa án tối cao đã nêu về những yếu tố làm cơ sở để tòa án có thể tuyên tử hình. Hiện nay những yếu tố đã được nêu trong bản án đó được coi là án lệ. 

Những yếu tố đã được nêu trong án lệ đó là những yếu tố được mô tả một cách trừu tượng, nhưng thực tiễn xét xử cho đến nay có thể cho thấy rằng số người bị hại (bị giết) là yếu tố được coi trọng.

Bên cạnh đó, trong những tiêu chí mà án lệ nêu ra, cảm xúc của xã hội, cũng như cảm xúc của gia đình nạn nhân cũng được coi là những yếu tố quan trọng khi tòa án xác định mức hình phạt. Cảm xúc xã hội là một trong rất nhiều yếu tố để tòa án xem xét, tuy nhiên tỷ trọng như thế nào thì chúng ta không thể biết được một cách cụ thể vì đó là sự phán đoán chuyên môn của thẩm phán. 

Như vậy, chữ ký có giá trị pháp lý nhất định khi thẩm phán xem xét về mức hình phạt cụ thể. Nên một số luận điểm trên truyền thông hay Facebook nói rằng chữ ký không có giá trị pháp lý là không đúng. Giá trị pháp lý này là có, nhưng chỉ trong phạm vi mà tôi vừa nêu thôi.

- Vậy hoạt động xin chữ ký của bố mẹ bé Linh hoàn toàn tôn trọng hệ thống pháp luật Nhật Bản?

— Cơ sở lý luận về trách nhiệm hình sự được phổ biến ở Nhật Bản thừa nhận về việc đưa cảm xúc xã hội vào cơ sở đánh giá trách nhiệm hình sự. Chữ ký của người dân sẽ được đánh giá nhất định làm cơ sở cho việc đánh giá cảm xúc của xã hội đương đại.

Trong khi đó, một số bạn đang hiểu nhầm rằng tòa án Nhật Bản dựa vào cảm xúc của cá nhân hoặc cảm xúc đám đông làm cơ sở. Tòa án không bao giờ nói rằng 300.000 chữ ký là phải tử hình, 50.000 chữ ký là án chung thân. Tòa án không bao giờ nói như vậy.

Không khiến thẩm phán vội vàng

Lê Thị Nhật Linh - Sputnik Việt Nam
Vì sao vụ xét xử nghi phạm sát hại bé Nhật Linh cứ mãi bị trì hoãn?
- Có người nói việc vận động chữ ký "đề nghị áp dụng án tử hình" với nghi phạm khi vụ án chưa được xét xử là "dằn mặt" tòa án và có thể khiến tòa xử vội vàng, thiếu công bằng. Liệu việc xin chữ ký có ảnh hưởng tiêu cực gì đến quá trình xét xử vụ án? 

— Tòa án được cấu thành bởi những vị thẩm phán. Thẩm phán là những người được đào tạo về pháp lý, nắm vững những chế định pháp lý và pháp luật về tố tụng. Theo đó, nguyên lý là khi định tội danh, khi quyết định người này có tội hay không, chữ ký đó không có ảnh hưởng gì, không thể được xem xét đến.

Nếu như thẩm phán nào sẵn sàng xem xét (các chữ ký) lúc này, thì có nghĩa là thẩm phán đó có vấn đề. Nhưng ở Nhật Bản, không có thẩm phán nào như vậy. Bởi vì không có lý do và không cần thiết. Còn khi chuyển sang quyết định mức án cụ thể, họ sẽ có thể xem xét (các chữ ký) trong phạm vi và trong giới hạn như tôi vừa trình bày.

Vấn đề đặt ra là việc tập hợp chữ ký này có làm cho thẩm phán phải vội vàng không? Câu trả lời là không. Liên quan đến vấn đề này, tôi cảm giác là hoạt động xin chữ ký không phổ biến ở Việt Nam. Nhưng đó là việc rất bình thường ở Nhật Bản. Ảnh hưởng tiêu cực (của việc xin chữ ký) đối với tòa án là không hề có và không có cơ sở.

Bị cáo im lặng vẫn bị kết tội nếu đủ chứng cứ

Bé gái Lê Thị Nhật Linh - Sputnik Việt Nam
Gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm Nhật
- Nghi phạm bị bắt giữ đã gần 1 năm vẫn chưa có phiên xét xử công khai, như vậy có phải là lâu?

— Đối với Việt Nam, sau khi bị can bị bắt giữ, rồi thành bị cáo, mà 9 tháng chưa có phiên tòa công khai, thì có vẻ là dài so với ở Việt Nam. Nhiều người Việt Nam có thể băn khoăn rằng Nhật Bản là nước có pháp luật tiên tiến mà sao lại lâu thế. Tuy nhiên, nhanh hay chậm chỉ là vấn đề tương đối. Tại Nhật Bản, thời gian kể từ khi vụ án được truy tố cho đến khi phiên tòa công khai bắt đầu, có vụ thì nhanh có vụ thì lâu.

Và lâu hay nhanh là tùy theo tính chất vụ việc, nếu như một vụ án mà chứng cứ quá rõ ràng thì phiên tòa công khai sẽ mở ra rất sớm, đôi khi 2 tuần hay 1 tháng là mở. Nhưng vụ án này chứng cứ phức tạp, bị cáo im lặng.

- Việc bị cáo tiếp tục im lặng ảnh hưởng như thế nào đến quá trình xét xử, liệu có đồng nghĩa với việc tòa không thể kết tội?

— Có người nói rằng vì bị cáo im lặng cho nên tòa chưa đưa ra xét xử, đó cũng không phải là nhận thức đúng. Thứ nhất, hiện nay thủ tục chuẩn bị xét xử diễn ra rồi. Việc (bị cáo) im lặng đó cũng là một yếu tố để xem xét. Càng im lặng thì càng phải thận trọng xem xét các chứng cứ khách quan. Thời gian chuẩn bị dài hơn nhưng không có nghĩa cứ im lặng thì không có phiên tòa công khai. Người ta im lặng vẫn có thể kết án có tội nếu như chứng cứ đầy đủ.

Chữ ký ở Việt Nam vẫn được xem xét

Bé Lê Thị Nhật Linh. - Sputnik Việt Nam
Vụ sát hại bé Nhật Linh sắp được phía Nhật đưa ra xét xử
- Pháp luật hình sự chỉ gói gọn trong phạm vi biên giới của một nước, việc xin chữ ký ở bên ngoài Nhật có tác dụng hay không? 

— Khi nói về pháp luật áp dụng thì pháp luật hình sự Nhật Bản chỉ áp dụng tại Nhật Bản thôi, đó là điều đương nhiên. Cơ bản pháp luật hình sự quốc gia nào cũng vậy, những hành vi phạm tội diễn ra trên lãnh thổ của nước mình mới xử lý. Trừ một số hành vi của người nước đó diễn ra tại nước ngoài hoặc người nước đó bị hại tại nước ngoài, đó là ngoại lệ.

Nhưng nói về chữ ký, chữ ký không có ý nghĩa định tội danh mà chỉ có ý nghĩa là một trong những tư liệu để đánh giá cảm xúc xã hội, và cảm xúc xã hội là một trong rất nhiều yếu tố tổng hợp để tòa án xem xét mức án cho phạm nhân. Việc này khác với vấn đề pháp luật hình sự có áp dụng trên nước ngoài hay không.

Khi nói về tư liệu cho cảm xúc xã hội đó, câu hỏi đặt ra ở đây là: Xã hội là gì? Xã hội này có phải nhận định phải tồn tại trong phạm vi trên lãnh thổ Nhật Bản hay không?

Về nguyên lý, số lượng người Nhật Bản ký nhiều thì có thể có ý nghĩa cao hơn. Nhưng mặt khác, cũng phải thấy là trong vụ án này, người bị hại là người Việt Nam sống trên lãnh thổ Nhật Bản. Điều này còn liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cho nên không có lý do phải loại trừ cảm xúc của những người Việt Nam trong cảm xúc của xã hội. Nhưng điều đó được đánh giá như thế nào, nhiều hay ít, là tùy theo tòa án. Bây giờ không thể tiên đoán gì. 

- Tòa án làm thế nào để xác minh các chữ ký mà bố mẹ bé Linh thu thập, đặc biệt là lượng chữ ký lớn từ Việt Nam?

— Về nguyên tắc, danh tính của những người ký phải được bảo đảm rõ ràng. Nhưng dưới góc độ là một trong những tư liệu để đánh giá cảm xúc, ý thức xã hội đối với hành vi (của phạm nhân), việc tòa án xem xét tính xác thực của chữ ký này sẽ diễn ra bằng cách thức nào mà tòa án cho là hợp lý. Tức là tòa án cảm thấy cách thức nào là hợp lý, thì sẽ xác nhận tính xác thực của chữ ký bằng cách đó để phù hợp cho mục đích làm tư liệu cho cảm xúc, ý thức xã hội.

Các chữ ký hiện nay được tập hợp bởi bố mẹ cháu Linh. Đôi khi vô tình mà có khi chữ ký của một người viết ở hai chỗ, hoặc là nhiều chỗ, hoặc đôi khi một người viết tên mà địa chỉ sai. Hiện tượng đó là có thể có và có khi không tránh được.

Tòa án thừa biết với hoạt động như vậy, không thể không có trường hợp ký hai lần, hay những sự không chính xác khác. Và điều đó là bình thường trong câu chuyện này. Nên tòa án sẽ xem xét một cách tổng hợp.

Chẳng hạn, tòa án xem xét 300.000 chữ ký, kiểm tra chỉ có 250.000 chữ ký là đúng còn 50.000 chữ ký kia là không trung thực hay không xác thực được. Thì giữa con số 300.000 và 250.000, hay 50.000 và 40.000, không hẳn là có sự khác biệt đáng kể khi tòa án đánh giá tư liệu thể hiện cảm xúc, ý thức xã hội. Miễn sao những hoạt động đó cơ bản được người tham gia ký kết thực hiện một cách tình nguyện, tự nguyện.

Tòa án không xét xử theo dư luận

Lê Thị Thu Hằng - Sputnik Việt Nam
Bộ Ngoại giao lên tiếng về diễn biến điều tra vụ sát hại bé Nhật Linh
- Một số báo chí và mạng xã hội nhắc tới mục tiêu 50.000 chữ ký như một con số điều kiện để chứng tỏ đây là vấn đề cộng đồng quan tâm. Vậy có quy định nào về con số 50.000 chữ ký này?

— Thông tin đó là không xác đáng. Có khi là bố mẹ của cháu Linh đã nói con số đó hay không thì tôi không biết. Nếu có, có chăng chỉ là mục tiêu cá nhân, mục tiêu của bố mẹ cháu Linh. Bởi vì là xin chữ ký không dễ dàng, trời mưa, trời rét phải đứng ở ga để xin chữ ký, bây giờ nếu đặt mục tiêu là 100.000, 300.000 không dễ. Nhưng đây là mục tiêu cá nhân. Một số báo đăng 50.000 chữ ký là một con số gì đó là không chính xác. 

- Có ý kiến cho rằng việc xin chữ ký có thể phản tác dụng, như trường hợp một thủ phạm ở Ấn Độ từng được trả tự do vì thẩm phán tin rằng dư luận xã hội đã kết án hắn trước khi phiên toà diễn ra và do đó không thể có một phiên xử công bằng, khách quan, vô tư cho hắn. Khả năng này liệu có xảy ra với vụ xét xử nghi phạm sát hại bé Linh?

— Thẩm phán được đào tạo để xét xử chỉ theo pháp luật và lương tâm. Và pháp luật Nhật Bản quy định tòa án chỉ xét xử dựa theo pháp luật và lương tâm. Bất cứ yếu tố bên ngoài nào ngoài pháp luật và lương tâm ra cũng không thể can thiệp. Đó là một niềm tin quan trọng của thẩm phán. Thẩm phán vẫn có thể biết phản ứng của xã hội, ý kiến của báo chí, nhưng không ai xử theo những yếu tố đó.

- Vụ xét xử nghi phạm sát hại bé Linh có áp dụng chế độ bồi thẩm đoàn không thưa ông? Xin ông nói thêm về hình thức xét xử này ở Nhật Bản.

— Nhật Bản hiện nay áp dụng chế độ không gọi là bồi thẩm viên mà gọi là thẩm phán viên. Thẩm phán là chuyên nghiệp, được tuyển vào hạn ngạch biên chế. Còn thẩm phán viên được lựa chọn theo từng vụ án, bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên đối với những người có nơi thường trú ở khu vực xung quanh nơi có thẩm quyền của tòa án.

Chế độ này chỉ áp dụng cho xét xử sơ thẩm, không áp dụng cho phúc thẩm, đối với một số tội nhưng là tội nặng trở lên, bao gồm cả tội giết người. Cho đến đối với vụ án này, chắc chắn là ngoài thẩm phán chuyên nghiệp, thẩm phán viên sẽ tham gia.

- Không phải là người có chuyên môn pháp lý, liệu thẩm phán viên có bị tác động bởi áp lực dư luận hay cảm xúc xã hội? 

— Mục đích của chế độ thẩm phán viên được áp dụng tại Nhật Bản là phản ánh nhận thức phổ thông thông thường của thành viên xã hội vào quá trình xét xử và bản án, để có thể cân đối lại những nhận thức quá chuyên môn của thẩm phán chuyên nghiệp.

Trong quá trình xét xử, theo tôi hiểu, thẩm phán chuyên nghiệp sẽ hướng dẫn (thẩm phán viên) về cách thức đánh giá chứng cứ, cách thức đưa ra nhận định về tội cũng như mức hình phạt. Cho nên tôi nghĩ không có chuyện thẩm phán viên quá bị ảnh hưởng bởi cảm xúc xã hội.

Hãy rời khỏi đám đông để ra quyết định

Bé gái Lê Thị Nhật Linh - Sputnik Việt Nam
Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản thắt lòng tiễn biệt bé Nhật Linh
- Ông có muốn gửi lời gì với những người quan tâm đến vụ việc này và còn băn khoăn nên hay không nên ký?

— Không thể nói mọi người là nên ký hay không. Ký hay không ký, tùy mọi người thôi. Nhưng vấn đề đặt ra là trước khi quyết định, mọi người phải tìm hiểu chính xác là vì sao bố mẹ đang xin mọi người chữ ký. Nếu mình cảm thấy hiểu được, thông cảm được, chia sẻ được thì ký, hoặc có lý do khiến mình không thể ký được, thì không ký. Vấn đề đặt ra là nên biết lý do, hiểu chuyện thực sự là như thế nào, chính xác ra sao thì mới lựa chọn ký hay không.

Có người nói hiện nay rất nhiều người chạy theo việc ký là phản ứng theo hiệu ứng đám đông. Theo họ, đã là hành động theo hiệu ứng đám đông thì là không nên, và vì lý do đó nên không ký.

Nếu có người nói như vậy thì tôi cho là không hợp lý. Nếu như mình biết mình đang là đám đông, thì hãy rời khỏi đám đông để mình trở thành một người biết được câu chuyện, tự tìm hiểu ra để quyết định. Còn người khác nghĩ theo đám đông, liên quan gì tới mình.

Nguồn: Zing

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала