Hành động của phi công Su-25 của Không quân Nga — Thiếu tá Roman Filippov đã giành được sự ngưỡng mộ lớn từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ chính nước Nga lẫn phía đối địch, đây là điều hoàn toàn xứng đáng với tinh thần chiến đấu quả cảm trên.
Nhưng không chỉ riêng Quân đội Nga mà Không quân nhân dân Việt Nam cũng có một trường hợp tương tự, đó là phi công Tạ Đông Trung.
Chuyến bay cuối cùng
Theo Lịch sử trung đoàn không quân 937 (1975 — 2005) và Lịch sử dẫn đường Không quân, ngày 1/10/1977, máy bay A-37 của Trung đoàn 937 được điều động cho nhiệm vụ ném bom vào đội hình quân Khmer Đỏ ở khu vực Cây Me theo yêu cầu của Sư đoàn 4 bộ binh Quân đoàn 4.
Đơn vị sử dụng 4 lần chiếc A-37 do phi công Nguyễn Văn Vân bay số 1 làm biên đội trưởng, phi công Tạ Đông Trung và Nguyễn Thế Hùng bay số 2, phi côngTrần Cao Thăng bay số 3 và phi công Nguyễn Văn Sinh bay số 4 làm nhiệm vụ chiến đấu.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai máy bay của biên đội trưởng bị hỏng phải quay trở về căn cứ, phi công Tạ Đông Trung được lệnh chỉ huy biên đội tiếp tục bay đến khu vực Cây Me để oanh kích.
Đó là một cụm cứ điểm phía bắc con đường nối liền Gò Dầu với Svayrieng, trong một làng cách biên giới chừng 1 km, từ cứ điểm này bọn Pol Pot tấn công sang biên giới nước ta ở khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Những chiếc A-37 kéo lên cao, đội hình hàng dọc, hai chiếc đi đầu ném bom xong, lửa khói còn cuồn cuộn, Tạ Đông Trung bổ nhào, đến cự ly 500 m anh ném bom.
Chiếc A-37 theo đà lao xuống đến 300 mét vừa ngóc lên anh bị súng 12,7 mm bắn trúng khiến máy bay bốc cháy, phi công Nguyễn Thế Hùng hy sinh còn phi công Tạ Đông Trung kịp kéo dù… chiếc dù theo gió bay ngược về phía biên giới.
Chiến đấu anh dũng
Nhưng chiếc dù như có một sức mạnh trì kéo, Trung cố vươn về phía con đường còn sức hút của trái đất lại kéo anh xuống. Trung rơi xuống một cánh đồng cách quân ta chừng 700 m… lập tức quân Pol Pot kéo đến bao vây.
Ngay trong lúc đó, sở chỉ huy mặt trận lệnh cho trực thăng UH-1 của phi công Đinh Gia Dục đang làm nhiệm vụ gần đó, đến cứu phi công bị nạn.
Từ trên máy bay nhìn xuống, Đinh Gia Dục nhìn thấy một đồng chí phi công ta lọt giữa vòng vây địch, dùng súng ngắn chiến đấu với cả một đại đội địch. Chiếc trực thăng UH-1 đơn độc trước một đại đội địch, quần đảo liên tục trước hoả lực dày đặc, không thể đáp xuống được.
Khẩu súng ngắn trong tay đã lên đạn. Từ trên bờ ruộng Trung bắn gục hai tên tiến đến gần, định bắt sống anh. Quân ta, một trung đội vượt biên giới lao về phía người phi công của ta, trượt qua ruộng lúa khô, còn cách chừng 500 m, cánh đồng lầy chắn ngang, dù mùa khô đã trên một tháng nước ở đây vẫn chưa khô, việc cơ động rất chậm.
Trong khi đó, bọn Pol Pot xả súng ngăn lực lượng quân ta từ biên giới tiến sang. Cuộc chiến đấu đã diễn ra trên đồng ruộng, các chiến sĩ bò xuống dựa vào bờ ruộng bắn trả, quân ta không tiến lên được.
Họ nhìn người đồng đội của mình đánh trả bọn áo đen lao đến ngày càng đông. Họ thấy Trung từ trên bờ ruộng đứng thẳng bắn gục thêm hai tên nữa. Bọn Pol Pot không thể bắt sống được người phi công Việt Nam kiên cường nên đã tập trung hỏa lực sát hại anh.
Đồng chí Tạ Đông Trung quyết không để địch bắt đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh, giữ trọn khí tiết cách mạng, để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần sống anh dũng, chết vẻ vang. Cả hai đồng chí phi công sau đó được tặng huân chương Chiến công hạng ba.
Biến đau thương thành hành động, ngày 2/10/ 1977, Không quân ta tiếp tục cho 3 lần/chiếc U-17 do các phi công Nguyễn Văn Sửu (A), Nguyễn Văn Sửu (B), Nguyễn Duy Lê, Nguyên Hữu Thọ, Mai Chí Lưu và Nguyễn Khắc Tuấn bay chỉ thị mục tiêu cho UH-1 vũ trang và A-37.
Nhưng khi UH-1 chuẩn bị vào công kích, do chưa phân định rõ bộ binh địch — ta, nên buộc phải vòng ra. Sau đó, A-37 với 20 lần/chiếc đã ném bom trúng vào các vị trí cố thủ cuối cùng của quân Khmer Đỏ ở khu vực Cây Me — bến Sỏi. Đến 10 giờ, bộ đội Quân đoàn 4 hoàn toàn làm chủ trận địa.
Nguồn: Thời Đại