Xác suất của một cuộc chiến tranh giữa Nga và châu Âu đang gia tăng, đây là nội dung bản báo cáo của Hội nghị an ninh Munich sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 2, văn bản do Express.co.uk trích dẫn.
"Trong tình trạng khủng khiếp này, sự nhầm lẫn và hiểu nhầm có thể dẫn tới chiến tranh", — bản báo cáo viết.
Ngoài ra, bản báo cáo ghi nhận rằng, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Nga và phương Tây bị phức tạp thêm do cuộc xung đột ở phía đông Ukraina. Theo các tác giả báo cáo, quyết định của Mỹ về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev có thể "xi măng hóa" tình hình hiện tại.
"Theo tôi, ý tưởng về việc Nga sẽ chiến đấu với Liên minh châu Âu là một dấu hiệu điên rồ. Tôi nghĩ rằng, nguy cơ gây sự lo ngại lớn nhất của các chính trị gia châu Âu không phải là cuộc xung đột có thể xảy ra giữa châu Âu và Nga, mà là cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga. Điều đáng lo ngại nhất là việc triển khai quân đội Mỹ ở châu Âu và những hành động đáp trả của Nga. Hiện có một mối đe dọa thực sự, nhưng, câu hỏi đặt ra là, các nhà chính trị châu Âu coi ai là có tội?", - ông Smolin nói.
Ông nhấn mạnh rằng, Nga không có ý định tấn công bất cứ ai và chỉ thực hiện những bước đi để phản ứng hành động của Mỹ.
"Tất cả những hành động của chúng tôi đều là hành động đáp trả, và không sánh được với hành động hung hăng quy mô lớn của Mỹ khi họ triển khai các tên lửa và bố trí các đơn vị quân đội trên lãnh thổ các quốc gia châu Âu. Nếu Liên minh châu Âu tiếp tục theo đuổi chính sách của Mỹ, nếu các quốc gia châu Âu cho phép bố trí các loại vũ khí, kể cả những vũ khí đe dọa an ninh của Nga, trên lãnh thổ của nước mình, thì tất nhiên, căng thẳng sẽ gia tăng. Tôi nghĩ rằng, các chính trị gia châu Âu nên quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn, nên theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ mà không chỉ theo bước đi của Mỹ. Nếu có như vậy thì sự căng thẳng sẽ giảm dần", — nhà phân tích chính trị nhận xét.
Hội nghị an ninh Munich, một trong những diễn đàn không chính thức quan trọng nhất trên thế giới, thảo luận về các vấn đề chính trị cấp bách liên quan đến cán cân quyền lực trong quan hệ quốc tế và tăng cường trật tự toàn cầu dựa trên nền dân chủ. Hội nghị đầu tiên đã được tổ chức tại Munich vào năm 1963 dưới dạng cuộc họp không chính thức của các đại diện cơ quan quốc phòng các nước thành viên NATO. Kể từ năm 1998, Chính phủ Đức sử dụng kinh phí từ ngân sách Bộ Quốc phòng để tổ chức diễn đàn này.