Trang defensenews.com vừa đưa tin, trong khoảng thời gian 2005 — 2014, Việt Nam đã tăng cường chi tiêu quân sự, đưa họ lọt vào danh sách một trong những thị trường nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới.
Việt Nam cũng đồng thời thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc vào một nguồn duy nhất là Nga, nước này đã nhập khẩu một số vũ khí, khí tài có nguồn gốc từ Israel hay châu Âu.
Tuy vậy Việt Nam chưa vội vàng đặt mua vũ khí Mỹ, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ hoàn toàn trong chuyến thăm hữu nghị chính thức vào giữa năm 2016.
Trong số những vũ khí Mỹ kỳ vọng sẽ xuất khẩu sang Việt Nam có máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon và máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion, đây là những phương tiện theo đánh giá phù hợp nhất với nhu cầu.
Tại Triển lãm hàng không quốc tế Singapore Airshow 2018, ông Orlando Carvahlo — Giám đốc bộ phận hàng không của Lockheed Martin tuyên bố một phái đoàn của Việt Nam đã tới thăm gian hàng của họ trong ngày khai mạc.
Tuy nhiên triển vọng cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam nhất là sau chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ — ông James Mattis sẽ chưa diễn ra trong tương lai gần vì còn phải khớp nối các thủ tục cũng như nhu cầu giữa hai bên.
Trong khi đó, Hợp đồng gần đây nhất giữa hai nước đã được công khai là đặt mua 2 tàu tuần tra lớp Hamilton và một số máy bay không người lái tuần thám biển Boeing Insitu ScanEagle.
Máy bay không người lái Boeing INSITU ScanEagle đã được đưa vào hoạt động lần đầu tiên trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ vào năm 2005.
Đây là chiếc UAV với thiết kế không đuôi, có sải cánh xuôi 3,1 m với đầu cánh được bẻ cong lên phái trên. Hầu như tất cả các mép sau của cánh đều được cơ giới hóa.
Thân máy bay tương đối nhỏ (chiều dài khoảng 1,4 m) chứa một động cơ piston công suất 1,5 mã lực. UAV ScanEagle có trọng lượng cất cánh tối đa không quá 20 kg.
Với kích thước, trọng lượng và cấu trúc khí động học như vậy, UAV ScanEagle có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong thời gian dài. Nó có khả năng bay với vận tốc lên đến 130 km/h và đạt được độ cao 4.900 m.
Động cơ có tính kinh tế cao và thùng nhiên liệu có thể tích tương đối lớn cho phép máy bay có thể thực hiện các chuyến bay kéo dài trong thời gian hơn 20 giờ. Năm 2006, ScanEagle đã xác lập một kỷ lục khi bay liên tục trong 22 giờ 8 phút.
Giống như một số UAV tiên tiến khác, Boeing INSITU ScanEagle không cần trang bị một sân bay lớn để cất hạ cánh. Máy bay được cất cánh từ một máy phóng khí nén và hạ cánh nhờ hệ thống thu hồi UAV mang tên SkyHook.
Nguồn:baodatviet