Thuở xa xưa, khi con người chưa văn minh lắm, họ lao động sản xuất và chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ chủ yếu bằng cơ bắp, thì sức mạnh của một dân tộc thường phụ thuộc rất nhiều vào số lượng người. Sau đó, và nhất là ngày nay, trong thế giới hiện đại, sức mạnh của một dân tộc chủ yếu không phải do đông người hay ít người mà là do tinh thần dân tộc của họ, sự cố kết bền vững và sức mạnh của thống nhất ý chí trong cộng đồng. Đặc biệt hơn nữa, quan trọng hơn nữa, đó là trí tuệ, năng lực tư duy và năng lực hành động của dân tộc ấy, động lực dân chủ của xã hội, được cộng lại và nhân lên từ những con người cụ thể.
I. KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU DÂN TỘC, DÂN CHỦ
Một thời gian sau khi xuất hiện con người, vai trò của trí tuệ đã ngày càng quyết định sức mạnh của một cộng đồng dân tộc. Nhờ có trí tuệ mà con người đã thành chúa tể của muôn loài. Trong lịch sử thế giới, qua các thời kỳ khác nhau, có những dân tộc — quốc gia khác nhau đã lần lượt thay nhau giữ vị trí chi phối lớn nhất đối với thế giới thời đó. Từ Ai Cập, La Mã, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan; rồi Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ; thời kỳ gần đây đang có sự nổi lên của Nhật Bản và Trung Quốc… Các quốc gia ấy đã có vị trí đáng kể đối với thế giới nhờ một số tiến bộ vượt bậc của khoa học — công nghệ, khoa học quản trị quốc gia (bao gồm cả chính sách) và rất nhiều trường hợp đã gắn với một cuộc cải cách giáo dục trước đó. Điều đó cho thấy và càng khẳng định sức mạnh của một dân tộc nhờ chủ yếu vào trí tuệ và năng lực của dân tộc ấy.
Từ ngày thành lập và suốt trong thời kỳ đấu tranh cho mục tiêu giải phóng dân tộc, chiến tranh vệ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và luôn giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Không chỉ là nêu ra khẩu hiệu mà các tổ chức Đảng và từng đảng viên đã chiến đấu rất kiên cường cho mục tiêu nhân văn đó. Với ngọn cờ ấy, cả một dân tộc từ chỗ là một dân tộc đang bị nô lệ đã được tập hợp lại, tạo thành sức mạnh to lớn đứng lên giành lại độc lập. Với ngọn cờ ấy, với các chủ trương hợp lòng dân và những hành động gương mẫu của cán bộ đảng viên, Đảng đã được nhân dân hết lòng ủng hộ, tự nguyện thừa nhận và tôn vinh thành một đảng lãnh đạo toàn dân tộc.
Giai đoạn sau này, khi đã hòa bình và thống nhất đất nước, tuy chưa bao giờ nói thôi mục tiêu đó nhưng nhiều lúc không còn nhấn mạnh như trước, thậm chí có lúc còn bị mờ nhạt đi. Nguyên nhân vì sao? Theo suy nghĩ của tôi thì có thể nhiều người, kể cả có người trong lãnh đạo (tất nhiên không phải tất cả) cho rằng mục tiêu độc lập dân tộc đã hoàn thành, còn mục tiêu dân chủ thì cơ bản cũng đã đạt được, vì ở Việt Nam không còn chế độ quân chủ và đã có nhà nước của dân; mặt khác, lại có phần cảnh giác với các ý đồ lợi dụng ngọn cờ dân chủ với động cơ chính trị. Cách suy nghĩ đó chủ yếu xuất phát từ cách hiểu chưa đúng, tầm nhìn và chiều sâu trong tư duy còn hạn chế. Khi nói nguyên nhân như vậy là đã loại trừ cái tâm lý và tư tưởng thông thường của con người rằng khi còn bị cai trị thì đòi dân chủ nhưng khi đã có quyền lực thì dễ quên đi mục tiêu dân chủ.
II. YẾU TỐ CON NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH
Ngày xưa ta mất độc lập vì ta bị xâm lăng, mà nguyên nhân sâu xa là do ta lạc hậu chứ không phải nước ta nhỏ, càng không phải dân tộc ta thiếu anh hùng. Khi mất độc lập thì bằng sự anh hùng ta đã giành lại độc lập. Giành lại được độc lập rồi nhưng vẫn lạc hậu và lại mất độc lập lần nữa, cứ lặp đi lặp lại như vậy không ít lần. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập toàn cầu, một nước kém phát triển hoàn toàn có thể bị mất độc lập trong hoàn cảnh hòa bình. Trước tiên là mất độc lập về kinh tế và dần dần dẫn đến mất độc lập về chính trị. Mất độc lập về chính trị thì về cơ bản, coi như mất nước. Vậy nên, để củng cố nền độc lập của nước nhà thì nhất định phải phát triển vượt lên, để có thể sánh vai cùng với các quốc gia phát triển. Việt Nam phát triển không nhằm muốn chiến thắng ai, càng không có ý đồ lâu dài về việc tranh giành hay thôn tính ai, mà là để không thua, không bị mất độc lập, để "cùng thắng", cùng phát triển, với bạn bè, đối tác.
Muốn có những con người phát triển thì lãnh đạo của họ, lớp người đi trước cũng như cha mẹ và anh chị của họ, luôn thật lòng mong muốn và thật sự tạo mọi điều kiện để họ có thể vượt qua mình, hơn mình, có bản lĩnh và năng lực độc lập chứ không phải là những người chỉ biết "ngoan ngoãn", luôn vâng lời, biết gọi dạ bảo vâng.
Để có những con người phát triển thì môi trường xã hội phải là một môi trường dân chủ, tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, về tư duy phản biện, thông tin đa chiều, lãnh đạo và người lớn luôn lắng nghe và tôn trọng chính kiến của thế hệ trẻ, mọi người đều thật sự cầu thị trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhân loại và thời đại. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực. Dân chủ tạo ra sự phát triển của con người. Nhiều con người phát triển sẽ tạo ra một dân tộc phát triển. Một dân tộc phát triển, cùng với tinh thần dân tộc của họ, sẽ là một sức mạnh hết sức lớn lao để bảo vệ nền độc lập của mình và tiếp tục tiến lên.
III. TINH THẦN DÂN TỘC —SỨC MẠNH TRƯỜNG TỒN
Nhờ có tinh thần dân tộc mà người Việt Nam ta không ít lần mất nước, có lúc bị mất nước hàng trăm năm, một ngàn năm, kẻ xâm lăng đã dùng mọi thủ đoạn để đồng hóa, để cai trị lâu dài nhưng cuối cùng dân tộc ta vẫn không bị đồng hóa và đã giành lại được độc lập. Nhờ có tinh thần dân tộc mà dân tộc ta đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, chống lại các đối thủ đến từ phương Bắc và phương Tây mạnh hơn ta rất nhiều lần. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến vệ quốc sau đó, sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã phát huy rất tốt tinh thần dân tộc, tinh hoa văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh lớn lao để chiến thắng.
Ngày nay, để cả một cộng đồng dân tộc, kể cả những người đang sinh sống trong nước hoặc sinh sống ở nước ngoài, cùng nhau đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp sức, chăm lo xây dựng và phát triển đất nước nhằm vượt qua tình trạng lạc hậu, tụt hậu và "bẫy" thu nhập trung bình thì tinh thần tự hào và đoàn kết dân tộc càng phải được nâng cao, khơi dậy và phát huy mọi năng lực tiềm ẩn để tiến lên. Đó là tinh thần yêu nước, là lòng tự trọng dân tộc. Chẳng lẽ người Việt Nam ta lại cứ chịu thua kém thiên hạ và cũng là để xứng đáng với truyền thống giữ nước của cha ông, với hàng triệu con người đã hy sinh máu xương và cuộc sống của mình cho độc lập dân tộc.
Việt Nam là Tổ quốc chung của nhiều cộng đồng dân tộc (tộc người), mỗi dân tộc có những huyền thoại, sử thi, tổ tông, nhân vật lịch sử riêng, ít khi dân tộc này chịu thừa nhận tổ tông, nhân vật của dân tộc kia cũng là tổ tông, nhân vật lịch sử của mình. Riêng một trường hợp, rất hãn hữu, thật quý giá, đó là Hồ Chí Minh. Tất cả các dân tộc ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều tự nguyện thừa nhận và tôn vinh Người là lãnh tụ chung, nhân vật lịch sử chung của đại gia đình các tộc người Việt Nam, từ Bắc chí Nam.
Vì sao mà tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam lại thừa nhận và tôn vinh như vậy? Vì Hồ Chí Minh đã suốt đời hy sinh tất cả cho dân cho nước, chiến đấu kiên trì và kiên cường cho mục tiêu dân tộc và dân chủ, Người đã nâng tất cả các dân tộc anh em trên đất nước này lên ngang nhau, bình đẳng với nhau về địa vị chính trị và cùng vươn tới tầm cao của thời đại. Người đã từng nói "tôi hiến đời tôi cho dân tộc tôi", "nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì". Trong ký ức và tâm hồn dân tộc có Hồ Chí Minh, cùng với các anh hùng dân tộc ở các thời kỳ, những trang sử hào hùng và các giá trị văn hóa trường tồn sẽ luôn có ý nghĩa rất to lớn để tạo nên sức mạnh tinh thần và sự cố kết bền chặt của dân tộc Việt Nam.
Nếu biết phát huy những tư duy và có cách làm đúng thì ngọn cờ "dân tộc, dân chủ" sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc đại đoàn kết, thống nhất và cố kết bền vững của mọi người Việt Nam, tạo ra sức mạnh lớn lao của dân tộc Việt, để trên cơ sở ấy mà phát triển và trường tồn.
Hà Nội, tháng 12-2017
Tư duy mở về hòa hợp, hòa giải
Để cho sự cố kết của dân tộc luôn được bền vững và sức mạnh của dân tộc được nâng cao, cần tiếp tục giải quyết tốt vấn đề hòa hợp dân tộc và thực thi dân chủ rộng rãi trong xã hội. Đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ rồi nhưng sự hòa hợp dân tộc thì đến nay giải quyết vẫn chưa xong, tức là dân tộc vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Một dân tộc sẽ giảm sức mạnh rất nhiều khi nó chưa phải là một khối thống nhất bền chặt.
Mặc dù từ trước khi thống nhất đất nước năm 1975, Đảng đã có chủ trương phải hòa hợp dân tộc nhưng mấy chục năm qua, việc thực hiện tư tưởng ấy không phải lúc nào và ở đâu cũng nhất quán. Cần có tư duy mở nhiều hơn nữa, tiếp tục đổi mới một cách căn bản, khắc phục những hạn chế, sai lầm của "chủ nghĩa lý lịch" và tư duy phân tuyến địch — ta, nâng cao văn hóa bao dung, thừa nhận trên thực tế tính đa dạng của tư tưởng và văn hóa, thực hiện tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, xóa bỏ những hẹp hòi định kiến khi quan điểm còn có mặt khác nhau.
Nguồn: NLĐ