Công việc sản xuất máy bay trực thăng vận tải đa năng hạng nặng Mi-26 (theo tên mã của NATO: Halo) bắt đầu từ năm 1980. Hiện nay đó là trực thăng vận tải cấu trúc cánh quạt trục quay được sản xuất hàng loạt lớn nhất trên thế giới. Trọng lượng cất cánh — 49,5 — 56 tấn, trọng tải — 20 tấn (chở bên trong khoang hàng 110 mét khối hay treo phía bên ngoài), hoặc chở đến 82 người. Đường kính của cánh quạt 8 cánh là 32 mét. Hai động cơ với tổng công suất 22.800 mã lực. có thể tăng tốc đến gần 300 km / h. Tầm bay có tải tối đa là 475 km, với mức nạp nhiên liệu tối đa lên đến 800 km. Trần bay thực tế là 4600 mét.
Tất nhiên loại máy bay được sản xuất hàng loạt trong 38 năm thật là đáng nể. Đã đến lúc cần hiện đại hóa để phiên bản dành cho quân đội sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Chuyên gia hàng không, phó tiến sĩ Khoa học Quân sự, Đại Tá Makar Aksenenko trong cuộc phỏng vấn với Sputnik nói về khả năng của chiếc máy bay trực thăng:
"Chương trình tái vũ trang Lực lượng Vũ trang Nga có ảnh hưởng đến ngành hàng không quân sự, kể cả các trực thăng vận tải hạng nặng. Đây là một sự tiếp nối của xu hướng bắt đầu từ thời Liên Xô, khi trực thăng hạng nặng Mi-6 dần dần được thay thế bằng Mi-26. Sự sụp đổ của Liên Xô đã làm chậm lại quá trình này. Bên cạnh đó, đội máy bay Mi-26 đã bị thiệt hại do thảm họa Chernobyl, khi máy bay loại này được sử dụng rộng rãi trong việc xử lý hậu quả. Tất nhiên, sau đó các máy bay này bị nhiễm xạ "bẩn" và không thể tiếp tục sử dụng được nữa. Vì vậy, trong một thời gian dài quân đội Nga đã sử dụng chủ yếu là trực thăng vận tải, đổ bộ dòng MI-8\17.
Tuy nhiên, việc Liên Bang Nga quay trở lại khái niệm "quân đội cơ động" (ở trình độ công nghệ và thông tin mới) đòi hỏi các hoạt động quân sự, như có thể nói: diễn ra "trên mặt phẳng và trong không gian." Và ở đây chính là việc ứng dụng trực thăng vận tải hạng nặng. Chúng có thể nhanh chóng triển khai nhân sự và thiết bị nặng qua đường chiến tuyến, bay trên không trung bỏ qua các điểm đề kháng của đối phương, đổ bộ số lượng lớn binh sỹ (không phải một tiểu đoàn mà lên đến cả trung đoàn) không chỉ trong chiến thuật, mà còn ở độ sâu của tuyến phòng thủ (hoạt động ở phía sau lưng). Mục đích để mở mặt trận cùng với việc sử dụng thiết bị nặng và pháo binh hoạt động theo hướng mới. Cuối cùng, điều này sẽ làm cho công việc phòng thủ của đối phương trên diện rộng của mặt trận chính trở thành vô nghĩa. Đó là lý do tại sao Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tích cực quan tâm đến việc hiện đại hóa đội bay Mi-26 và phát triển máy bay trực thăng vận tải và đổ bộ hạng trung gia tăng tải trọng (phiên bản Mi-38 đầy hứa hẹn). Nhằm đến một mục đích — tăng tính cơ động của quân đội, không chỉ các đơn vị nhảy dù hay đổ bộ đường không, mà còn lực lượng bộ binh cơ giới thông thường cùng với vũ khí tiêu chuẩn".
Theo thông tin từ Tập đoàn "Trực thăng Nga", phiên bản Mi-26T2B hiện đại hóa trở thành một tổ hợp vận tải quân sự thực sự hiện đại, có khả năng bay bất cứ lúc nào, tới bất kỳ nơi nào. Và sẽ được bảo vệ tốt hơn trước phòng không của đối phương.
"Đối với tính năng điều khiển — định vị của phiên bản T2B, — chuyên gia tiếp tục — đó là lắp đặt hệ thống điện tử hàng không hiện đại hoàn toàn do Nga phát triển, cho phép giảm số thành viên của phi hành đoàn (2 phi công và người điều khiển thiết bị treo phía bên ngoài), khả năng máy bay trực thăng hoạt động trong khu vực tầm nhìn kém, vào ban đêm, ở độ cao rất thấp (với kính nhìn đêm), trong điều kiện thời tiết khó khăn. Để tự tin tiến hành các hoạt động quân sự, kể cả việc đổ bộ, trong mọi thời tiết và tại mọi thời điểm. (Trước đây, việc sử dụng máy bay phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, làm hạn chế khả năng sử dụng rộng rãi trong quân đội). Chức năng dẫn đường và kỹ sư phụ trách thiết bị trên các phiên bản Mi-26 trước đó bây giờ sẽ do hệ thống điện tử đảm nhiệm, theo dõi tất cả mọi thứ, ngay cả việc tiết kiệm tiêu thụ nhiên liệu, kiểm soát hoạt động của động cơ (giống như trên các máy bay hiện đại của hãng "Airbus"). Ngoài ra, phiên bản T2B có thể được sử dụng hiệu quả hơn để hỗ trợ các lực lượng kỹ thuật (công binh), đặc biệt là ở những vùng lầy lội, sa mạc hoặc đồi núi. Và, cuối cùng, máy bay Mi-26 hiện đại được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động. Nhờ thiết bị này, máy bay được sử dụng trong điều kiện đối phương tích cực sử dụng rada và phòng không dày đặc. Trực thăng sẽ tự phát hiện ra mối nguy cơ và phát nhiễu gây trở ngại ", chuyên gia hang không quân sự, đại tá Aksenenko nhấn mạnh.