Nhưng có một điều mà ít người biết là song song với việc nhập khẩu radar thụ động, công nghiệp quốc phòng trong nước cũng đã chủ động nghiên cứu chế tạo radar thụ động. Kết quả của quá trình nghiên cứu đó là sản phẩm mang tên radar thụ động RTH.
Trong một bài báo đầu năm 2015, trang Soha cho biết rằng Viện Radar thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự của Bộ Quốc phòng từ 2010 đã chủ động đề xuất và được giao chủ trì dự án:
"Nghiên cứu thiết kế, chế thử mẫu trạm radar thụ động định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA (Time difference of Arrival)". Đến tháng 11.2014, sản phẩm của dự án là tổ hợp radar thụ động đầu tiên ký hiệu là RTH đã được nghiệm thu.
Khái niệm radar thụ động có nghĩa là radar không phát sóng để bắt mục tiêu như những radar thông thường mà nó chỉ thu các loại sóng xung do máy bay phát ra. Hiện nay các cường quốc quân sự đang tích cực phát triển các loại máy bay tàng hình. Chúng sử dụng các loại vật liệu hấp thụ hoặc làm cho sóng phản xạ từ radar phát ra không trở về máy thu của đài radar cho nên radar không phát hiện được.
Để chống máy bay tàng hình, radar thụ động ra đời
Nguyên lý nói chung là như vậy nhưng tổ hợp radar RTH của Việt Nam có chỗ độc đáo nữa là nó định vị mục tiêu dựa trên phương pháp xác định mục tiêu bằng cách đo đạc chênh lệch thời gian lan truyền của sóng điện từ từ nguồn bức xạ đến các đài thu. Cấu hình của RTH gồm 4 trạm định vị với 3 trạm kế bên và 1 đài thu kiêm trung tâm xử lý tín hiệu.
Cho đến gần đây, trong phóng sự Những radar thương hiệu Việt phát trên chuyên mục Tạp chí Khoa học quân sự ngày 15.1.2018 của truyền hình Quốc phòng, Trung úy Phương Văn Quang — Trợ lý phòng ăng-ten đường truyền, Viện Radar cho biết: "Qua việc nhận dạng chúng tôi đã xây dựng được một ngân hàng dữ liệu và từ đó giúp cho việc nhận dạng mục tiêu. Tính năng kỹ chiến thuật ban đầu đề ra sẽ bắt được những mục tiêu ở cự ly khoảng 200 km. Qua quá trình thực hiện và triển khai, cự ly bắt được mục tiêu đã lên tới 270 km. Trong thử nghiệm, chúng tôi đã triển khai 3 trạm ở các vị trí Hưng Yên, Hòa Lạc, Đan Phượng và thực hiện phép toán giao hội giữa 3 trạm thì đã thu được tín hiệu rất tốt từ các mục tiêu bay".
Cũng theo lời bình trong phóng sự của truyền hình Quốc phòng thì: "Hiện nay trên thế giới có 2 sản phẩm có tính năng tương tự RTH là Kolchuga và Vera E nhưng giá thành rất đắt, vì vậy việc Việt Nam chế tạo thành công radar thụ động chống tàng hình là thành công lớn của ngành khoa học quân sự Việt Nam".
Đây là một thông tin rất đáng chú ý. Bởi vì chúng ta biết là Việt Nam đã mua radar VERA-E từ CH Czech theo hợp đồng ký năm 2011 và mua Kolchuga theo hợp đồng ký với Ukraine năm 2009. Giá thành của các tổ hợp radar này rất cao, đơn cử như hợp đồng mua 4 hệ thống radar Kolchuga của Ukraine lên tới 54 triệu USD, trung bình gần 14 triệu USD một tổ hợp.
Điều đáng chú ý ở đây là radar Kolchuga giao hàng năm 2012 còn radar VERA-E giao hàng năm 2014. Như vậy có nghĩa là khi nhận các radar nhập ngoại thì Việt Nam đã ở giữa quá trình tự nghiên cứu chế tạo radar RTH. Năm 2014 là năm nhận VERA-E thì cũng năm đó RTH được nghiệm thu cho nên khó có khả năng Việt Nam tham khảo được gì từ nó trong sản phẩm RTH. Chỉ có Kolchuga đã về Việt Nam từ trước đó nên có khả năng được tham khảo. Nhưng dù thế nào thì việc nghiên cứu chế tạo RTH thành công cũng đánh dấu một bước phát triển quan trọng và đáng hoan nghênh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Bởi lẽ nếu không có khả năng nhất định thì dù có nhập máy móc hiện đại về tháo tung ra cũng không thể "sao chép" được.
Nguồn: QPVN, Dân Việt