Nối tiếp thành công của đề tài tích hợp lựu pháo M101 105 mm lên khung gầm xe tải bánh lốp Ural-375D và Ural-432007 đã được triển khai trong thời gian qua, các cán bộ, kỹ sư quân sự Việt Nam lại tiếp tục thực hiện dự án tích hợp vũ khí trên lên khung gầm xe tải bánh xích M548.
Phương án trên mang lại nhiều ưu điểm như độ cơ động cao hơn, thời gian chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ hành quân rất ngắn, chỉ cần dừng lại là bắn được ngay do loại bỏ được thao tác hạ càng chống như trên xe bánh hơi.
Cách làm này của Việt Nam đã được nhiều diễn đàn quân sự của Trung Quốc và cả Ấn Độ đặc biệt quan tâm, nhận xét rằng đây là hướng đi đầy sáng tạo của chúng ta.
Chưa dừng lại ở đó, khung gầm xe bánh xích M548 còn được tận dụng để tích hợp pháo phòng không 23 mm ZU-23-2, ưu điểm mang lại tương tự như đối với pháo 105 mm và tốt hơn hẳn so với đưa khẩu pháo này lên khung xe bánh hơi KamAZ 43118 đã thực hiện trước đó.
Ngoài ra Việt Nam còn giới thiệu cả mẫu cối tự hành cỡ 100 mm gắn trên xe bọc thép M113, sản phẩm được đánh giá không thua kém gì loại M106A3 của Mỹ.
Khi chương trình hoàn thiện với việc trang bị thêm hệ thống ngắm bắn mới (với thiết bị đo xa laser, kính ngắm quang học, kính ngắm vô tuyến hồng ngoại) và hệ thống điều khiển điện tử thì Việt Nam sẽ có một tổ hợp pháo — tên lửa phòng không di động cực kỳ lợi hại.
Chương trình nâng cấp pháo phòng không 57 mm S-60 AZP là một đề tài đáng quan tâm khác của năm 2017 do Phòng pháo phòng không — tên lửa tầm thấp của Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ và Nhà máy A34 thực hiện, giúp vũ khí cũ này vẫn phát huy tốt tính năng tác dụng trong chiến tranh hiện đại.
Sau nâng cấp, những khẩu pháo 57 mm vốn lạc hậu đã lột xác thành vũ khí có uy lực cao, chiến đấu hiệu quả, có khí tài, tự động hoàn toàn trong điều kiện chiến đấu ác liệt, có thể sơ tán kíp pháo thủ để hạn chế thương vong cho bộ đội.
Nhờ trang bị máy tính kỹ thuật số nên khí tài này đã có độ chính xác cao, thời gian tính toán nhanh, tích hợp hệ thống quang điện tử giúp trắc thủ quan sát phát hiện mục tiêu ban đêm tốt hơn, xác suất bắn trúng cao, có thể tiêu diệt mục tiêu xuất hiện bất ngờ.
Cuối cùng, tiếp bước thành công của dự án chế tạo súng máy 12,7 mm được điều khiển tử xa, các cán bộ của Viện Công nghệ trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng còn chế tạo cả các loại robot chiến đấu bằng cách liên kết module vũ khí, tích hợp thiết bị điều khiển lên phương tiện tự hành.
Sự thành công của phiên bản bản đầu gắn súng tiểu liên Uzi dùng cho nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin là tiền đề để tiến tới chế tạo những thế hệ robot chiến đấu đa năng sở hữu nhiều tính năng ưu việt cùng hỏa lực mạnh hơn như mang súng máy 12,7 mm hay tên lửa phòng không vác vai SA-16.
Khi đó, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ có trong biên chế những chiếc xe tăng hay phương tiện phòng không tự hành sánh ngang các nguyên mẫu như Uran-9 hay Boomerang của Nga.
Nguồn: Báo Đất Việt