Trịnh Xuân Thanh — nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC là bị cáo phải nhận 2 mức án tù chung thân trong hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) — Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Trịnh Xuân Thanh cũng là bị cáo thu hút nhiều sự quan tâm chú ý của dư luận không chỉ mức án bị cáo phải nhận do hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hai vụ án trên mà còn là thái độ của bị cáo trong các phiên xét xử hai vụ án trên.
Trước phiên xét xử sơ thẩm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản", xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nhiều người vẫn nghĩ ông Trịnh Xuân Thanh dù đã thực hiện những hành vi vi phạm nhưng vẫn được xem là đấng nam nhi "đại trượng phu" dám làm dám chịu, có ý kiến còn cho rằng Trịnh Xuân Thanh hào sảng, quân tử. Nhưng khi phiên xét xử vụ án trên diễn ra, Trịnh Xuân Thanh đã bộc lộ là một con người khác khi không nhận tội và liên tục đổ lỗi cho cấp dưới. Dù bị cáo đã nghe VKS cùng các đồng phạm, nhân chứng đưa ra hàng loạt chứng cứ lời khai.
Dù cho các đồng phạm khẳng định có cuộc gặp tại phòng Trịnh Xuân Thanh, thế nhưng, Thanh sau đó một mực phủ nhận bằng lý do "lâu nên quên". Và "gần Tết Âm lịch thì phòng bị cáo lúc nào cũng có người".
Tại vụ án PVP Land ngày 24/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh lại một lần nữa diễn lại việc chối tội, đổ tội cho thuộc cấp. Khi trả lời HĐXX về việc nhận vali 14 tỷ từ Đinh Mạnh Thắng, Trịnh Xuân Thanh đổ vấy cho lái xe (anh Toàn) đã nhận chứ không phải mình nhận.
"Lúc ấy tôi mắng lái xe ngay là tại sao chưa hỏi ý tôi mà anh đã nhận. Tiền đó do lái xe nhận không phải tôi nhận…", bị cáo Thanh nói tại tòa.
"Hai năm qua, bị cáo như con ngáo ộp", Trịnh Xuân Thanh ví von và cho rằng cáo trạng của VKS đang quy chụp và coi thường các chứng cứ của vụ án khi cáo buộc bị cáo phạm tội tham ô tài sản. "Người ta đưa tiền cho bị cáo, bị cáo đã trả lại mà VKS vẫn đề nghị bị cáo mức án chung thân", Trịnh Xuân Thanh nói.
Theo Khổng Tử, người quân tử luôn khoan dung, không thù hận người khác. Kẻ tiểu nhân trong lòng luôn có sự tình nào đó chất chứa ấp ủ, luôn cảm thấy người khác không đúng, xã hội không đúng với mình, cảm thấy người khác hơn mình là không thể chịu được nên luôn toan tính.
Xét từ câu nói của Khổng Tử đến diễn biến phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh tại hai vụ án trên dễ dàng đối chiếu và hiểu Trịnh Xuân Thanh là "quân tử" hay "tiểu nhân".
Chỉ có kẻ tiểu nhân hèn mạt mới luôn nhìn vào người khác để đổ lỗi trách cứ người khác mà không nhìn lại mình.
Nếu là người quân tử, Trịnh Xuân Thanh sẽ không nhanh chân bỏ trốn và dẫn cả vợ con đi theo khi những sai phạm của mình bắt đầu bị phanh phui. Để rồi nói lời cuối ở cả hai phiên tòa, Trịnh Xuân Thanh phải nước mặt giàn giụa xin sau khi có án thì được về gần với vợ con, nếu có chết thì chết trong vòng tay vợ con".
Không ai có thể tin nổi, một Trịnh Xuân Thanh từng làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC, một Trịnh Xuân Thanh từng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lại có lúc phải giả ngô nghê pháp luật đến thế. Tới đây, bị cáo sẽ có thời gian dài để nghĩ về những việc mình làm cũng như nghĩ lại phẩm chất, đạo đức cần có của một người đàn ông để cố gắng cải tạo, sau này nếu có lúc được tự do sẽ là người có ích cho xã hội và gia đình bị cáo.
Nguồn: Kiến Thức