Don North tác nghiệp đưa tin về Việt Nam từ 1965 đến 1973 trong vai trò của một phóng viên truyền hình. Dưới đây là phần lược dịch bài báo của ông nhan đề "Bí ẩn của Hanoi Hannah", viết về bà Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên New York Times tháng 2/2018.
Chương trình của Hanoi Hannah
Tên của bà là Trịnh Thị Ngọ, nhưng bà tự nhận mình là Thu Hương. Chúng tôi gọi bà là Hanoi Hanna. Bà là một tiếng nói tuyên truyền, người tiếp cận tới các quân nhân Mỹ khắp miền Nam Việt Nam thông qua sóng phát thanh, tìm cách thuyết phục họ rằng cuộc chiến là vô đạo đức, rằng họ nên giã từ vũ khí rồi trở về nhà.
Việc của Hanoi Hannah là làm nhụt nhuệ khí của đối phương chứ không phải quyến rũ hay mê hoặc. Tiếng Anh của bà gần như hoàn hảo. Nhiều người vô tình nghe thấy giọng của bà khi bật đài và rồi họ không thể chuyển sóng.
"Các anh sao rồi, các chàng trai G.I.Joe (G.I.Joe là một cách gọi lính Mỹ — ND)?" bà nói trong một lần phát sóng năm 1967.
Obituary: 'Hanoi Hannah' urged American soldiers to go home https://t.co/AH5NgEKluP via @billballentine pic.twitter.com/5H8Yzcr1SO
— Bill Ballentine (@billballentine) 28 октября 2016 г.
"Tôi thấy có vẻ các anh đều không được biết nhiều về diễn biến của cuộc chiến, lại không được giải đáp thích đáng về sự hiện diện của mình ở đây. Chẳng có gì bối rối hơn việc bị điều ra chiến trận để bỏ mạng hoặc thương tật cả đời mà không biết gì dù là manh mối mờ nhạt nhất về những chuyện đang diễn ra".
Bà Trịnh Thị Ngọ sinh ra ở Hà Nội vào năm 1931. Cha của bà sở hữu xưởng chế tác thủy tinh lớn nhất Việt Nam thời ấy. Bà thích xem phim Mỹ. Bộ phim ưa thích là "Cuốn theo chiều gió", bà xem đến 5 lần. Vì muốn xem phim mà không phải đọc phụ đề tiếng Anh hoặc tiếng Pháp nên bà đã học tiếng Anh.
Bà Ngọ vào làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) năm 1955, trong vai trò của một tình nguyện viên. Nhờ lối nói tiếng Anh với âm điệu chính xác và vốn từ vựng phong phú, bà nhanh chóng được giao việc đọc tin tức cho các nước nói tiếng Anh ở châu Á.
Khi những lực lượng bộ binh Mỹ đầu tiên — Thủy quân lục chiến — đổ bộ vào Đà Nẵng năm 1965, VOV, vốn đặt trụ sở ở miền Bắc đã bắt đầu phát sóng các nội dung tuyên truyền.
Bản thân Hannah cũng là một nguồn tin. Bà chính là người đã công bố một trong những tin tức gây choáng váng nhất trong chiến tranh Việt Nam — cuộc thảm sát hàng trăm dân thường ở Mỹ Lai năm 1968.
Chỉ vài tuần sau cuộc thảm sát, Hannah đã đọc chính xác tên địa điểm và ước tính số thương vong tuy khi đó bà không xác định được sư đoàn nào của Mỹ đã tham gia vào vụ việc.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy giọng nói mượt mà của Hanoi Hannah là tháng 9, 1965, tại một căn cứ đặc nhiệm ở An Lạc, cách Nha Trang khoảng 100km về phía Tây.
Trời mưa to suốt một tuần, khiến máy bay vận tải, phương tiện để tôi rời khỏi Việt Nam, không thể hạ cánh. Ban đêm, sau khi đóng doanh trại thì cũng chẳng có nhiều việc để làm ngoài chơi bài, đọc sách, uống bia và nghe đài.
Đêm đó, Hannah vừa đọc tin vừa phát xen kẽ các bản nhạc rock nước ngoài. Giai điệu của nhóm Animals, hát bài "We Gotta Get Outta This Place" (tạm dịch "Chúng ta phải thoát khỏi nơi này") cất lên và rồi Hannah nói:
"Giờ là tin tức chiến tranh. Thương vong của người Mỹ ở Việt Nam. Hạ sĩ Lục quân Larry J. Samples, Canada, Alabama… Thượng sĩ Charles R. Miller, Tucson, Arizona… Hạ sĩ Frank Hererra, Coolige, Arizona."
Với những gã lính Mỹ chán chường, chương trình phát thanh của Hannah là nguồn giải trí hiếm hoi. Xếp sau cây súng, chiếc radio là vật sở hữu quý giá nhất của họ. Tương tự như báng súng, radio thường được bảo vệ bằng cách dùng băng dính đen quấn kín. Những người lính thường cười khi Hannah tìm cách dụ họ bỏ chốt hoặc thủ tiêu sĩ quan.
Họ băn khoăn, liệu bà có đáng yêu như giọng điệu thường nói. Nhiều người còn coi bà là một trong những đối thủ lớn nhất ở Việt Nam.
Hannah thường chủ động nhắc tới những lính Mỹ da màu. Trong một chương trình, bà nói:
"Billy Smith là một người lính da màu, không muốn trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Có vẻ như vào sáng 15/3, một quả lựu đạn phân mảnh đã phát nổ trong doanh trại của sĩ quan ở Biên Hòa, khiến hai trung úy phải bỏ mạng. Smith bị truy nã, bắt giữ và nhốt trái phép trong nhà lao Long Bình và sẽ bị đưa về xét xử tại quê nhà. Bằng chứng cho tội lỗi của anh ta là: Dân da màu, nghèo khổ, phản đối chiến tranh và từ chối làm nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc".
Khi bạo lực bùng phát ở Detroit vào 23/7/1967, Hannah đã đưa tin. Các đài Mỹ thì đều im lặng, nhưng bà phát đi tất cả những thông tin chi tiết mà mình có.
Mike Roberts, một binh lính từ Detroit đóng quân ở Đà Nẵng nhớ rất rõ thời điểm đó.
"Hannah lên tiếng và bà ấy biết đơn vị bảo an nào được điều động, loại vũ khí nào được sử dụng", Roberts nói.
"Đó là thời điểm bạo động khởi phát. Chúng tôi biết loại hỏa lực đó là gì, mức độ tàn phá mà nó có thể gây ra cho người dân và giờ, cũng chính những vũ khí đó đang chĩa về phía chúng tôi, anh biết đấy, quân đội của chính chúng tôi đang giết hại nhân dân của mình".
"Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy Hannah kêu gọi người da màu, anh biết đấy, suy xét lại tình huống tại đây. Tại sao các anh lại chiến đấu? Bản thân các anh cũng có một cuộc đấu tranh ở Mỹ. Chúng tôi đang hút thuốc và anh biết đấy, chúng tôi quyết định lắng nghe Hanoi Hannah".
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người từng là tù binh suốt 5 năm tại Hanoi Hilton, còn nhớ: "Ngày nào tôi cũng nghe [chương trình của] Hannah. Bà ấy là một nhân vật giải trí tuyệt vời. Tôi bất ngờ khi bà ấy không tới Hollywood".
Thiếu tá Ray Voden, bị bắt khi máy bay bị bắn hạ ở Hà Nội ngày 3/4/1965, đã nghe bà nói suốt 8 năm: "Hannah thường gây tranh cãi giữa các tù binh. Có lần còn suýt xảy ra đấm đá vì chương trình của bà. Một số người muốn nghe trong khi số khác lại cố tảng lờ. Cá nhân tôi thì vẫn nghe".
Trong gần 5 năm sau khi trở thành phóng viên cho ABC News, hầu như ngày nào tôi cũng thâu băng những chương trình của bà, đề phòng Hannah nói gì đáng giá hoặc giới thiệu một phi công Mỹ bị bắt giữ trong chương trình của mình.
Đối với tôi, bà là một nguồn tin để tham khảo trong thời điểm tràn ngập thông tin về chiến tranh Việt Nam.
Bí ẩn Hanoi Hannah được vén màn
Lúc đó Hanoi Hannah đã rời Hà Nội dấu yêu của mình để tới thành phố Hồ Chí Minh với chồng, một người miền Nam và cũng là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam. Cuộc gặp diễn ra trên tầng thượng của khách sạn Rex. Ở đó, tôi chờ Hannah cùng với Ken Watkins, một người lính thủy quân lục chiến, đồng thời là một thính giả thường xuyên của chương trình.
Watkins đã nhắc lại những kỉ niệm về Hannah: "Sóng đài quanh Đà Nẵng khá tốt và chúng tôi sẽ bật 1-2 lần để nghe bà ấy nói về cuộc chiến. Điều tuyệt vời nhất là vì bà là phụ nữ và có giọng nói êm tai mềm mại".
Tôi hỏi liệu Watkins còn tức giận bà ấy không. "Chắc chắn rồi", ông nói, "Có chút phản đối. Nhưng lần trở lại này, có rất nhiều thứ xoay vòng, và bà ấy là một tiếng nói khác từ quá khứ mà tôi muốn chính bản thân mình đối mặt".
#Trinh_Thi_Ngo aka #Hanoi_Hannah has died Sept 30, 20016 at 85. #Radio_propagandist for #North_Vietnam. On air 1965 through 1975 pic.twitter.com/Ba9VNhsRkJ
— SPIES&VESPERS (@SpiesVespers) 5 октября 2016 г.
Vì thế, buổi sáng đầy nắng ấy, một người cựu binh thủy quân lục chiến và một phóng viên chiến trường già chờ đợi Hanoi Hannah thực sự xuất hiện, chờ đợi cho sự thật cuốn phăng đi hàng năm trời với những hình ảnh cay đắng trong luồng suy nghĩ của mình. Bà Rồng ư? Chiến tranh tâm lý ư? Tiên tri ư? Hay là gì?
Giống như nhiều ảo tưởng của cuộc chiến, Hanoi Hannah không giống những gì chúng tôi tưởng tượng. Bà không hề giống "Bà Rồng" trong bộ truyện "Terry và những tên Hải tặc". Duyên dáng và hấp dẫn trong một chiếc áo dài vàng, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, bà vui vẻ trả lời những câu hỏi của chúng tôi.
Sau khi Hanoi Hannah yên vị, tôi hỏi bà đã lấy thông tin ở đâu.
"Star and Stripes của quân đội Mỹ", bà đáp lời, nhắc tới tờ báo phổ biến của quân đội, "Chúng tôi đọc tin trên đó. Ngày nào chúng tôi cũng nhận báo từ không vận. Chúng tôi cũng đọc cả Newsweek, Time và một số tờ khác. Chúng tôi đọc tin của các nhà báo Mỹ và đưa lên phát sóng, đặc biệt là về thương vong".
Bà có từng cảm thấy tức giận với lính Mỹ không?
"Khi bom rơi ở Hà Nội, tôi đã rất giận dữ", bà nói, "Đối với người Việt Nam, Hà Nội là một vùng đất thiêng. Nhưng kể cả khi đó, khi tôi nói với những người lính Mỹ, tôi vẫn luôn cố gắng bình tĩnh. Tôi chưa bao giờ cảm thấy gay gắt với người Mỹ trên góc độ một dân tộc. Tôi chưa bao giờ gọi họ là kẻ thù, chỉ gọi là đối phương".
Chúng tôi đã tán gẫu một lúc, về mục tiêu, thành công và nuối tiếc của bà. Và rồi tôi hỏi thêm một câu — Bà sẽ nói gì bây giờ, nếu bà có cơ hội làm một chương trình phát sóng cuối cùng cho những người lính Mỹ?
"Chuyện đã qua, ta hãy để nó qua", bà đáp, "Hãy bước đi và trở thành bè bạn. Sẽ có rất nhiều lợi ích nếu chúng ta có thể là bạn bè với nhau. Chẳng có lý do gì để là kẻ thù hết".
Gặp gỡ và phỏng vấn Hanoi Hannah, đối với tôi, giống như Dorothy xé được tấm màn che giấu Phù thủy xứ Oz. Một Hannah tồi tệ ở phía sau mà chúng tôi đã dựng nên hóa ra lại là một phát thanh viên điềm tĩnh, hay đọc Stars and Stripes.
Bà Trịnh Thị Ngọ mất ngày 30/9/2016, hưởng thọ 85 tuổi. Bà được an táng tại Long Trì, Châu Thần, Long An, bên cạnh chồng.
"Rõ ràng Hanoi Hannah là một trong những phát thanh viên ưu tú mà chúng tôi có trong lịch sử của VOV và của cả nước nói chung", Nguyen Ngoc Thuy, cựu phóng viên của VOV nhận định, "Bà sẽ được nhớ tới vì giọng đọc huyền thoại trong những lần phát sóng nhằm vào những binh lính Mỹ".
Trong hồi ký của mình, bà Trịnh Thị Ngọ có nhắc tới khát vọng muốn đem lại sự khác biệt của mình. "Tôi nghĩ đã tới lúc mình nên làm gì đó để đóng góp cho cuộc cách mạng".
— Trong bài viết về Hanoi Hannah đăng trên Guardian (Anh).
Theo: New York Times, Thời Đại