Trong bài phát biểu của ông Putin trước cử tọa mở rộng và đông đảo nhà báo ở Nhà Triển lãm trung tâm "Manezh" Matxcơva toát lên hai hai nội dung gắn bó với nhau. Thứ nhất là những thành tựu kinh tế-xã hội to lớn và rất quan trọng mà nước Nga đạt được qua hơn 17 năm đầy khó khăn thử thách, khi nước Nga mới phải đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn diện hồi những năm 1990 và nhất là từ năm 2014 đối mặt với lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây với cái cớ tình hình Ukraina và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Để bảo tồn thành quả khôi phục và vươn lên, nước Nga phải có khả năng giữ vững an ninh và chủ quyền quốc gia, tạo môi trường phát triển để vượt qua khủng hoảng và các biện pháp bao vây, cấm vận của Phương Tây. Nghĩa là cần có một nước Nga hùng mạnh. Đây chính là nội dung thứ hai trong bản Thông điệp của Tổng thống Putin lần này. Nếu nước Nga không mạnh, sẽ không thể tồn tại sau cuộc chiến do Gruzia có Hoa Kỳ và NATO chống lưng phát động ở Nam Osetia hồi tháng 8 năm 2008. Nếu nước Nga không mạnh, sẽ không thể đánh bại tổ chức khủng bố mang tên "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Syria. Rõ ràng, việc Matxcơva thắng hay bại trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với khu vực Trung Đông mà còn đối với chính nước Nga.
Nhìn rộng hơn, trong bối cảnh Washington toan tính giành ưu thế vượt trội về quân sự so với Nga hòng ép buộc Matxcơva thần phục trong quan hệ quốc tế, thậm chí mưu toan gây chiến tranh thế giới mới để làm cho nước Mỹ "vĩ đại trở lại", mở rộng NATO đến sát gần và bao quanh Nga, thì việc nước Nga cần phải mạnh để đối chọi làm phá sản mọi toan tính của các thế lực hiếu chiến càng là yêu cầu tự nhiên và nhiệm vụ bức thiết hơn bao giờ hết.
Thử nhớ lại thời điểm năm 1945, khi Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất sở hữu bom nguyên tử. Vì thế, người Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản nhằm gửi đi thông báo rằng thế giới hậu chiến phải được sắp xếp theo chỉ thị từ Washington. Chỉ đến khi đất nước Xô-viết cũng có vũ khí hạt nhân như cân bằng sức mạnh thì thế giới mới có hòa bình.
Từ sau khi Liên Xô tan rã, Hoa Kỳ ráo riết can thiệp gây nhiều cuộc xung đột và không loại trừ khả năng một ngày nào đó sẽ phát động chiến tranh nhằm vào Nga. Thực tế Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương áp sát biên giới Nga và việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu chứng tỏ nguy cơ đó. Sau khi Donald Trump vào Nhà Trắng, Washington thay đổi chiến lược, đặt đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố xuống hàng thứ yếu còn việc chống phá Nga và Trung Quốc đưa lên hàng đầu. Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quân sự quốc gia và Học thuyết hạt nhân mới của Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump cho thấy hiểm họa chiến tranh nhằm vào Nga càng thêm rõ nét hơn.
Đại tá Lê Thế Mẫu nhận xét:
"Không ngẫu nhiên mà với thông điệp Liên bang lần này, Tổng thống Putin chính thức công bố các loại vũ khí chiến lược mới mà Nga đang có, hoàn toàn đủ khả năng vô hiệu hóa hoặc đáp trả đích đáng những đòn tấn công phủ đầu từ Mỹ đe dọa an ninh và chủ quyền của Nga. Ông Putin đã nói lên ý chí của nước Nga: Quyết không để thế giới phải một lần nữa chứng kiến thảm họa tương tự như ở Hirosima và Nagasaki năm 1945, bởi "đã đến lúc phải chấm dứt những hành động cùng mưu toan làm chao đảo con thuyền chung có tên là hành tinh Trái đất của chúng ta".
Chuyên gia Việt Nam tán đồng với nhận định của Tổng thống Vladimir Putin, rằng không một quốc gia nào một thế lực nào được phép tạo ra những nguy cơ mới đối với thế giới, mà ngược lại, cần ngồi vào bàn đàm phán để cùng nhau suy nghĩ về một hệ thống an ninh quốc tế mới trong tương lai và sự phát triển bền vững của nền văn minh chung. Ông Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi đã từng nói với các đối tác về điều đó, tất cả các đề xuất của chúng tôi vẫn giữ nguyên hiệu lực và nước Nga luôn sẵn sàng đối thoại".
Tổng thống Putin nói rõ, chính sách của Nga xác định không bao giờ tự cho mình những quyền ngoại lệ, mà chỉ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình và tôn trọng quyền lợi của các nước khác, trên cơ sở luật pháp quốc tế và công nhận vai trò chủ đạo then chốt của Liên Hợp Quốc. Những nguyên tắc và cách tiếp cận ấy cho phép xây dựng quan hệ thân thiện, bình đẳng với tất cả các quốc gia và dân tộc trên thế giới.
Chia sẻ góc độ quan điểm xem xét vấn đề như vậy, nhà báo Đan Thi của Sputnik nhắc lại một số chi tiết cụ thể nêu trong phần đầu Thông điệp Liên bang của ông Putin. Trong thời kỳ mới, Nga sẽ dành nhiều quan tâm phát triển khoa học-giáo dục, chẳng hạn như củng cố vị thế thủ lĩnh của các nhà khoa học Nga trong Toán học, vươn lên trình độ cao nhất trong vấn đề điều trị và phòng ngừa bệnh ung thư và giải quyết thấu đáo vấn đề cấp điện cho những vùng sâu vùng xa. Ông Putin hứa hẹn phổ cập Internet tốc độ cao trên khắp cả nước, mở cánh cửa cho người dân Nga kết nối và thu hưởng toàn bộ thế giới kỹ thuật số với mọi lợi thế tiện ích. Tổng thống Vladimir Putin tin chắc rằng Nga sẽ xuất khẩu sản phẩm nhiều hơn nhập khẩu, tăng gấp đôi xuất khẩu phi nguyên liệu, đạt đột phá về giao thông theo đúng nghĩa đen. Các chuyên viên Việt Nam trong cuộc đàm đạo đều thấy tâm đắc khi ông Putin chỉ ra một nhiệm vụ mới về nguyên tắc của chính quyền Nga, là phải làm sao tăng tuổi thọ trung bình của người dân Nga lên hơn 80. Nguyên thủ quốc gia Nga tuyên bố: "Động lực chủ đạo và quan trọng trong sự phát triển nước Nga là phúc lợi của nhân dân".
Vì thế, dù có quân đội với khả năng và phẩm chất xuất sắc, sở hữu những loại vũ khí hiện đại nhất tuyệt đối không có điểm sơ hở, Nga không nhằm tấn công bất cứ quốc gia nào mà chỉ phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, tăng cường phúc lợi cho cư dân đồng thời duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và cuộc sống yên ổn trên hành tinh chúng ta.
Trong dư luận phương Tây có nhận xét rằng, từ Matxcơva "nghe rổn rảng tiếng khua vũ khí". Nhưng chuyên gia Việt Nam Lê Thế Mẫu cho rằng, những sáng chế kỹ thuật-khoa học quân sự tiên tiến của Nga vẫn là vũ khí để bảo vệ lợi ích của nhân dân, và ngày 1 tháng Ba, Tổng thống Putin đã phát đi bản thông điệp hòa bình của nước Nga hôm nay.