Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), khẳng định như vậy trước việc Mỹ có thể áp thuế cao với thép nhập khẩu từ Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam sẽ hợp tác với một số nước để tham vấn và phối hợp. Ông Dũng nói:
— Trong những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu thép ngày càng tăng. Năm 2017, xuất khẩu đi các nước đạt 4,7 triệu tấn, tăng 28% so với 2016.
Tuy nhiên, với chính sách bảo vệ ngành thép, xuất khẩu vào Mỹ không tăng mà còn giảm, từ 991.000 tấn năm 2016 còn 567.000 tấn năm 2017.
Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), có khả năng nước này sẽ áp thuế nhập khẩu với mức tối thiểu 24% lên các nước. 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ bị áp thuế lên tới 53%.
* Nếu có lệnh áp thuế chính thức, ông nhìn nhận thế nào về mức thiệt hại?
— Nếu biện pháp này được áp dụng, chắc chắn thép của Việt Nam không vào được Mỹ và bị cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép vào Mỹ, chủ yếu là tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen, thép Nam Kim, tôn Nam Kim… Theo nhận định của chúng tôi, khả năng lớn Việt Nam sẽ bị áp mức thuế cao trên.
Do vậy, ngay từ khi có thông tin, hiệp hội và doanh nghiệp đã thảo luận và có thư gửi thẳng Bộ Thương mại Mỹ, thuê luật sư Mỹ tư vấn.
VSA cũng có thư gửi Bộ Công thương đề nghị có phản ứng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi thư cho Chính phủ, Bộ Công thương để có biện pháp hỗ trợ.
* Khả năng thay đổi được quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump là khó?
— Một trong những lý do phía Mỹ đưa ra khi điều tra chống lẩn tránh thuế là họ lập luận: giá trị gia tăng các mặt hàng Việt Nam xuất sang không cao. Có nghĩa là có yếu tố từ Trung Quốc qua VN để xuất khẩu.
Ngoài ra, VSA cũng sẽ tìm kiếm hợp tác với một số nước có hoàn cảnh tương tự để tham vấn và phối hợp trong tất cả giai đoạn. Nếu tham vấn và hòa giải không đạt, có thể xem xét phối hợp để kiện ra WTO. Khi đó, chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể với Chính phủ và Bộ Công thương.
Lý do thực sự của Mỹ là gì?
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, bản chất của việc Mỹ áp dụng biện pháp thương mại, đưa ra mức thuế cao đánh vào mặt hàng thép ở nhiều quốc gia xuất phát từ quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ muốn áp thuế, đánh vào các sản phẩm có nguồn gốc thép Trung Quốc khi thời gian qua nước này bằng nhiều hình thức đã xuất khẩu sang Mỹ với giá rẻ và cạnh tranh không lành mạnh lắm.
Vì vậy, ông Dũng cho rằng chiến tranh thương mại có xảy ra hay không còn phụ thuộc quan hệ thương mại Mỹ — Trung.
Trung Quốc đã có điều chỉnh mạnh, không chỉ cắt giảm sản lượng xuất khẩu, tăng chất lượng mà còn chủ trương đưa ngành công nghiệp thép đầu tư sâu vào chất lượng.
Nguồn: Tuổi Trẻ