Những thành tích đáng nể
Bộ đội radar VN đã sinh ra và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, góp phần đắc lực canh giữ và bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong những ngày khói lửa, đạn bom vô cùng ác liệt.
Vượt qua màn nhiễu dày đặc, vô hiệu hoá những quả tên lửa tự dẫn chống rađa của kẻ thù, các chiến sỹ radar đã kịp thời phát hiện mọi loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Mỹ và không để Tổ quốc bị bất ngờ…
Trong trang sử hơn nửa thế kỷ qua, bộ đội radar đã lập chiến công vẻ vang góp phần với quân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc.
Bộ đội radar phát hiện hàng triệu tốp máy bay các loại, bảo đảm cho các lực lượng Phòng không — Không quân (PK-KQ) đánh hàng chục ngàn trận, bắn rơi hàng ngàn máy bay hiện đại của Mỹ và báo động phòng tránh kịp thời cho nhân dân, hạn chế tổn thất do địch gây ra.
Đỉnh cao là năm 1972 bộ đội radar đã đảm bảo tình báo radar cho quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của KQ Mỹ.
Ngay từ ngày đầu 6.4.1972 đã kịp thời thông báo cho 3 trung đoàn tên lửa và 3 trung đoàn cao xạ ở Quảng Bình — Vĩnh Linh đánh trả hàng trăm máy bay địch đánh phá vào hậu phương chiến dịch nhằm chặn cuộc tiến công chiến lược của ta trên chiến trường miền Nam, trong 3 ngày đầu đã bắn rơi 18 máy bay địch (có 3 chiếc B52).
Ngày 18.12 bộ đội radar đã lập công đầu khi phát hiện chính xác B-52 bay vào Hà Nội, báo động sớm 35 phút cho các lực lượng PK-KQ ta kịp thời đánh trả cuộc tập kích lớn nhất của KQ chiến lược Mỹ và bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 ngay ở Thủ đô Hà Nội, bẻ gãy đòn tấn công chiến lược cuối cùng của Lầu Năm Góc ở VN.
Do lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 20.10.1976 binh chủng radar đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một trung đoàn và 8 đại đội radar cùng 3 chiến sĩ radar đã được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Lớn mạnh và trưởng thành
Binh chủng Radar khi mới thành lập vào năm 1958 với 1 trung đoàn được trang bị loại radar P-8 của Liên Xô và từ ngày 1.3.1959 bắt đầu phát sóng canh giữ bầu trời Tổ quốc.
Chỉ 2 ngày sau, vào lúc 0h15 phút ngày 3.3.1959 các trắc thủ đại đội 4, trung đoàn radar 260 đã phát hiện 1 chiếc máy bay C-47 của địch từ biên giới Việt-Lào xâm phạm vùng trời Thanh Hóa và báo cáo lên SCH thông báo cho các lực lượng phòng không 2 tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.
Theo thống kê của Quân chủng PK-KQ đến năm 1972, Bộ đội radar đã được trang bị nhiều loại đài radar mới, trong đó có 89 đài của Liên Xô, 28 đài của Trung Quốc và 1 đài của Hungary. Các đài radar có nhiều dải tần số khác nhau: 42% số đại đội có đài radar 3 dải tần, 47% có đài 2 dải tần và 11% — 1 dải tần.
Lúc đầu, phương pháp truyền tin tập trung dẫn đến việc thông báo radar đưa đến các đơn vị PK- KQ bị chậm nhiều (tới 5-6 phút).
Để rút ngắn thời gian thông báo, tin tức từ các đại đội radar được báo lên SCH Binh chủng Radar và đồng thời đưa thẳng đến các đơn vị chiến đấu. Đây là phương pháp hiệu quả nhất khi các số liệu được truyền thẳng (phương pháp không tập trung) từ đại đội radar tới các đơn vị PK-KQ và dân quân tự vệ. Lúc này thời gian truyền tin chỉ còn dưới 60 giây.
Khi có nhiễu điện tử, nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội radar trở nên rất phức tạp, nhất là việc phát hiện B-52.
Ví dụ khả năng của radar P-35 phát hiện máy bay ném bom chiến lược Mỹ trong điều kiện nhiễu tạp phụ thuộc rất nhiều vào hướng bay của chúng: Nếu hướng bay của mục tiêu so với đài radar lớn hơn 45o và không có nhiễu từ máy bay khác thì cự li phát hiện B-52 ở độ cao 10-12km đạt tới hơn 300 km.
Trong trường hợp hướng bay của máy bay địch so với đài radar nhỏ hơn 45o thì cự li phát hiện giảm đáng kể vì đài nằm trong cánh sóng của các máy phát nhiễu trên B-52… radar đo cao PRV được sử dụng để xác định chính xác tính năng các máy phát nhiễu tạp của đối phương trên màn hiện sóng radar.
Nhiệm vụ khó khăn nhất trong chiến đấu là phát hiện các mục tiêu bay thấp, đặc biệt trong điều kiện địa hình đồi núi vô cùng phức tạp ở miền Bắc, nếu đài radar không có thiết bị đặc biệt thì thực tế không thể quan sát được mục tiêu bay ở độ cao dưới 300m.
Nhưng nhờ sử dụng các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, nắm vững bản đồ địa vật và kiên trì tập luyện nên các trắc thủ Việt Nam vẫn phát hiện được mục tiêu bay thấp.
Ngoài ra, ta còn sử dụng rộng rãi nhiều đài quan sát bằng mắt thường và khí tài quang học để phát hiện các mục tiêu bay thấp và cơ động nhanh, xác định thời điểm phóng các loại tên lửa tự dẫn, số lượng và kiểu loại máy bay địch…
Một vấn đề rất quan trọng là bảo vệ đài radar, đối phó với các loại tên lửa chống radar (TLCR). Bộ đội radar trong quá trình chiến đấu đã nghiên cứu, đề xuất nhiều biện pháp chống TLCR. Ví dụ, chỉ một số đài rađa sóng mét hoặc sóng dm là mở máy liên tục, sau khi phát hiện mục tiêu thì mới mở thêm đài radar sóng cm…
Các đài quan sát mắt góp vai trò quan trọng phát hiện thời điểm địch phóng TLCR để thông báo cho các trận địa kịp thời đối phó.
Một cách khác có hiệu quả là sử dụng "chế độ nhấp nháy", nghĩa là lần lượt theo chu kỳ thực hiện mở và ngắt cao áp của tất cả các máy phát, gây gián đoạn việc điều khiển và làm TLCR chệch hướng xa trận địa, giảm nhẹ thiệt hại cho lực lượng ta…
Ví dụ, ngày 20/12/1972 trong chiến dịch tập kích của B-52 vào Hà Nội-Hải Phòng, đài radar ở một trận địa tây bắc Hà Nội đã bị trúng TLCR của máy bay Mỹ, đầu đạn nổ cách xe thu-phát 8m làm đài bị hỏng cáp điện, ống dẫn sóng và một phần máy móc. Việc sửa chữa khôi phục khí tài đã được bộ đội ta thực hiện xong chỉ trong 4 giờ.
Mặc dù hàng ngàn TLCR của Mỹ đã được phóng xuống các trận địa radar và tên lửa của ta, nhưng ít có trường hợp khí tài bị hư hỏng nghiêm trọng vì các trắc thủ Việt Nam thao tác đối phó với TLCR rất điêu luyện và thông thường các tên lửa này đều nổ cách đài radar khá xa.
Đại tá Nguyễn Thụy Anh — Cục Khoa học Quân sự / BTTM
Nguồn: Thời Đại