Chiều 19-3, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái trong việc góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) của bị cáo Đinh La Thăng — nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN và các đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.
Sau khi xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn — nguyên tổng giám đốc PVN, hội đồng xét xử (HĐXX) đã thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng.
Trả lời tòa, ông Thăng nói trong tất cả những thỏa thuận góp vốn, nghị quyết của HĐQT về việc góp vốn, các lần góp vốn đều làm đúng chủ trương của Đảng và yêu cầu của Chính phủ, không có vi phạm về pháp luật!
Thỏa thuận với OceanBank không có giá trị pháp lý!
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT của PVN bị VKS cáo buộc: dù biết OceanBank hoàn toàn yếu kém nhưng vẫn ký thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm — nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng này, mà không thông qua HĐQT của PVN cũng như được sự đồng ý của Chính phủ.
Chủ trương và thực hiện góp vốn với số tiền 800 tỉ này thông qua 3 lần chuyển tiền đã khiến PVN bị thất thoát 800 tỉ đồng.
Tòa hỏi việc ký thỏa thuận có xin ý kiến HĐQT hay không, ông Thăng khai rằng, việc ký thỏa thuận này là có chủ trương chung của Tập đoàn. Về mặt chủ trương, ông Thăng thay mặt HĐQT ký rồi báo cáo HĐQT bằng văn bản.
Tòa hỏi có thông qua HĐQT không, ông Thăng khẳng định khi ký văn bản này thì không thông qua HĐQT bởi đây chỉ là biên bản làm việc thống nhất với đối tác. Còn sau đó cần có sự thống nhất của HĐQT và tất cả mọi chủ trương, kế hoạch đầu tư, góp vốn của PVN đều phải có sự thông qua của HĐQT.
Tòa nêu ra văn bản do ông Nguyễn Ngọc Sự — ký báo cáo tình hình tài chính kinh doanh của OceanBank, ông Thăng nói, ngân hàng Đại Dương có vốn điều lệ thấp, nên PVN có thể góp vốn, sau khi góp vốn thì việc kinh doanh của OceanBank sẽ tốt lên.
Ông Thăng khẳng định thỏa thuận này không có ý nghĩa gì đối với việc góp vốn. Ông Thăng nói biên bản này chỉ là "tiền đề" cho việc góp vốn. Nó chỉ được ký khi thỏa thuận khi HĐQT thông qua. Nếu HĐQT không thông qua thì thỏa thuận này không có ý nghĩa gì.
Ông Thăng khẳng định việc đầu tư ra ngoài phải có sự đồng ý của Thủ tướng. Ông đọc rất rõ văn bản 3780 quy định của Thủ tướng về việc này đồng thời khẳng định mình tuân thủ các quy định của văn bản này.
"Các nghị quyết của HĐQT được ủy quyền cho bị cáo ký đều được thực hiện đúng thủ tục. Nghị quyết này không phải là quyết định góp vốn mà chỉ đến khi được Thủ tướng đồng ý thì mới thực hiện việc góp vốn. Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ" — ông Thắng khai với tòa.
Thực tế, sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng thì mới chuyển tiền góp vốn.
Trong khi đó, cáo trạng của Viện KSND Tối cao cáo buộc ông Thăng đã có nhiều sai phạm.
OceanBank đã hoạt động hiệu quả sau góp vốn?
Tòa đọc công văn của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng có mấy nội dung, trong đó có đồng ý việc PVN và cán bộ công nhân viên được góp vốn và đề nghị Bộ Tài chính và Ủy bán Chứng khoán nhà nước hỗ trợ PVN.
Trong công văn này cũng lưu ý PVN về việc xem xét lại việc vay và cho vay trước khi đầu tư.
"Như vậy, bộ TC có khuyến cáo, thì PVN có thực hiện không?" Tòa hỏi. Ông Thăng trả lời là việc đánh giá là có thực hiện vì nó không chỉ đối với việc đầu tư này mà các lĩnh vực khác cũng rà soát.
Trước khi Bộ Tài chính có văn bản, thì HĐQT đã có quyết định rà soát. PVN biết OceanBank có vốn điều lệ thấp, và thực tế là sau đầu tư thì OceanBank đã phát triển tốt.
Ông Thăng ví OceanBank là ngân hàng nhỏ, vốn ít nên đầu tư góp vốn thì cũng giống như việc 1 cô gái chưa có chồng thì 1 chàng trai có thể tiếp cận, chứ nếu cô gái có chồng rồi (giống như các ngân hàng lớn khác) thì PVN không thể tham gia góp vốn được.
"Xuất phát từ chủ trương của Đảng, nên thực hiện việc chủ trương đi đầu, kiềm chế lạm phát nên PVN góp vốn vào OceanBank".Ông Thăng nói.
Ông Thăng khẳng định khoản đầu tư vào ngân hàng là rất hiệu quả, khi bị cáo chuyển công tác đến năm 2012, 2013 thì đều nhận được đánh giá là đầu tư này hiệu quả.
Phó tổng giám đốc PVN chưa cập nhật văn bản Luật?
Cáo trạng quy buộc, với chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách về tài chính, kế toán sau khi nhận được báo cáo đề xuất do bị cáo Ninh Văn Quỳnh trình lên thì Sơn đã ký văn bản chuyển 100 tỉ sang đầu tư góp vốn lần thứ 3 vào OceanBank.
Cáo trạng cũng cho rằng hành vi của Sơn là vi phạm điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực pháp luật. Hành vi của Sơn và các đồng phạm đã làm thất thoát 100 tỉ đồng của PVN.
Có lời khai trước tòa, Sơn khai rằng lúc ấy PVN chưa kịp cập nhật luật chuyên ngành và do Chính phủ đã cho phép góp vốn.
Tòa hỏi ông Sơn là có biết lúc ấy góp thêm 100 tỉ và vượt quá số vốn quy định của 1 tổ chức góp vốn vào một ngân hàng thương mại hay không. Ông Sơn trả lời không nắm được quy định một tổ chức tín dụng chỉ được góp vốn 15% vốn điều lệ tại ngân hàng.
Ông Sơn khẳng định có thể do thời điểm nhạy cảm và các bị cáo không ý thức được việc này nên thực hiện việc góp vốn trở thành cố ý làm trái trong khi các công việc khác các bị cáo hoàn thành.
Ông Sơn vẫn khẳng định tại thời điểm PVN góp vốn thì OceanBank vẫn làm ăn hiệu quả, do đó, bị cáo không thể từ chối trách nhiệm ký chuyển tiền góp vốn.
Nguồn: Tuổi Trẻ