Đạn pháo dẫn đường đầu tiên, "Copperhead" 155mm của Mỹ, đã được Lầu Năm Góc đưa vào trang bị từ năm 1982. Phiên bản tương tự của Liên Xô — đạn 152 mm "Krasnopol" - đi vào sản xuất hàng loạt bốn năm sau đó. Chúng có các đặc tính và nguyên tắc hướng dẫn tương tự nhau. Trong phần lớn hành trình bay, đầu đạn được hiệu chỉnh bằng hệ thống quán tính (gần như "lái tự động"), và khi sắp tiếp cận mục tiêu sẽ khởi động đầu dò laser bán chủ động tự dẫn.
Tuy nhiên, cả hai loại đạn đều chỉ có thể bắn trúng mục tiêu nằm trong tầm nhìn của người điều hướng tia laser. Nhưng để đến gần trước mặt kẻ địch mà không bị phát hiện là việc không dễ dàng: ba người cần phải kéo theo trạm điều khiển hỏa lực tự động (thiết bị Nga "Malachite" nặng 42 kg). Đặt ra các câu hỏi về sự sống còn của "Malachite" trong tác chiến. Mục tiêu phải được chiếu tia trong ít nhất 10-13 giây, và trong thời gian này kẻ địch có thể phát hiện ra.
"Dĩ nhiên, đạn pháo hướng dẫn bằng tia laser còn nhiều hạn chế, nhưng chính nó đảm bảo việc tiêu diệt mục tiêu chính xác nhất, — Chuyên gia vũ khí, tổng biên tập Tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc" Viktor Murakhovski nói với Sputnik — Ngoài ra không nhất thiết phải mang theo thiết bị phát tia laser, có thể lắp đặt trên các điểm trinh sát di động, máy bay trực thăng hoặc thậm chí cả máy bay không người lái".
Cuối những năm 90, quan điểm của Hoa Kỳ và Nga về sự phát triển của pháo binh dẫn đường đã khác nhau. Người Nga vẫn tiếp tục chú ý hoàn thiện "Krasnopol laser", còn người Mỹ tin tưởng hoàn toàn vào việc dẫn đường bằng vệ tinh. Năm 2006, Lầu Năm Góc đã nhận vào trang bị M982 "Excalibur", được hướng dẫn bằng GPS. Kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh Iraq làm giới quân sự phấn khích: 92 phần trăm đạn rơi trong bán kính chỉ 4 mét từ mục tiêu, và phiên bản hiện đại nhất có thể bắn xa 57 km. Thêm vào đó, hệ thống dẫn đường vệ tinh đã làm giảm sự phụ thuộc vào điều kiện khí tượng: những đám mây thấp, sương mù mạnh hay ô nhiễm khói không còn là một trở ngại nữa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, "Excalibur" có một nhược điểm đáng kể có thể làm lu mờ mọi lợi thế. Giám đốc Công ty sản xuất hệ thống định vị, phó tiến sỹ khoa học kỹ thuật Alexei Levchenkov nói:
"Vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh độ chính xác cao chỉ cho phép giải quyết vấn đề dẫn hướng. Nhưng họ lại quên mất hệ thống tác chiến chiến tử chống lại vệ tinh. Trong trường hợp này, chỉ có hai cách để dẫn —… hoặc bằng quán tính, hoặc rọi tia laser vào mục tiêu"
Một thiếu sót nữa của đạn pháo dẫn đường bằng vệ tinh là không thể hoặc ít khả năng hủy diệt các mục tiêu đang di chuyển. Còn "Krasnopol" tự tin có thể tấn công xe thiết giáp địch thủ đang chuyển động với tốc độ lên đến 36 km/giờ. Năm 2014, nhà phát triển "Excalibur", công ty Raytheon bắt đầu sản xuất phiên bản "Excalibur S" hướng dẫn bằng laser. Viên đạn pháo của Mỹ cũng sử dụng định vị vô tuyến và đầu dò hống ngoại tự dẫn. Trong khi đó thì Văn phòng Thiết kế Máy Công cụ Tula hiện lại đang phát triển dự án "Krasnopol-D" dùng hướng dẫn vệ tinh. Như vậy trong tương lai gần cả ở Nga và Mỹ sẽ xuất hiện một loạt phiên bản đạn pháo dẫn đường để chống lại các mục tiêu khác nhau.
Thế nhưng nhược điểm chính của tất cả các loại đạn dẫn đường là giá cả, không cho phép trang bị cho pháo binh chỉ những loại đạn này. Giá của "Excalibur" hay "Krasnopol" lên đến 50-70 ngàn đô la Mỹ mỗi viên. Có một cách ít tốn kém hơn để nâng cao tính chính xác của đạn pháo — sử dụng ngòi nổ để điều chỉnh quỹ đạo bay. thiết bị "thông minh" với cảm biến GPS và bộ điều khiển khí động học thu nhỏ được lắp vào viên đạn pháo thông thường. Quân đội Mỹ từ năm 2013 đã nhận được hàng ngàn ngòi nổ như vậy với giá chưa đến 10 nghìn đô la cho mỗi chiếc. Tất nhiên so với "Excalibur", các viên đạn như vậy có độ chính xác kém hơn một nửa. Các ngòi nổ tương tự cũng đang được phát triển ở Nga. Trong năm 2011, Cục thiết kế "Kompas" ở Moskva tuyên bố đã thử nghiệm thành công mô-đun dẫn đường GLONASS cho đạn pháo.
"Trong tương lai, viên đạn với ngòi nổ sẽ được sử dụng để bắn vào các mục tiêu không quan sát được, trong khi đạn điều khiển bằng laser sẽ tấn công vào các mục tiêu trong tầm ngắm, — chuyên gia Nga Victor Murakhovski nói —. Trong trường hợp này, việc tiêu thụ đạn sẽ giảm đáng kể. Theo quy chuẩn hiện hành, để tiêu diệt một xe tăng cần đến 600-900 viên đạn pháo, trong khi dùng "Krasnopol" cơ hội trúng đích lên đến 90-95 phần trăm. "
Và cuối cùng, đạn pháo có điều khiển không chỉ giúp tiết kiệm đạn dược, mà còn tăng cường khả năng sống còn của pháo binh. "Krasnopol" làm giảm đáng kể thời gian hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, làm giảm nguy cơ phản pháo từ pháo binh đối phương.