Song, vào năm 2017, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh ban bố ngày 29/3 hàng năm là Ngày Cựu chiến binh Việt Nam, theo lời ông, để vinh danh những người Mỹ đã chiến đấu ở đó, và cảm ơn họ vì sự hy sinh cùng lòng dũng cảm.
Sự hy sinh và lòng dũng cảm là những phẩm chất tuyệt vời của con người, — nhà khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Sputnik. Trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, ông là Thư ký Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam. — Nhưng, liệu những phẩm chất đó có liên quan đến những người lính Mỹ trên đất Việt? Tuyệt nhiên không. Sự hy sinh và lòng dũng cảm là đức tính của hàng triệu người Việt đã chiến đấu chống lại kẻ xâm lược Mỹ vì quyền sống ở nước Việt Nam tự do, độc lập và thống nhất. Còn những kẻ xâm lược Mỹ đã phạm nhiều tội ác đáng ghê sợ ở Việt Nam. Ca tụng những người Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam là một hành động tuyệt vọng. Đặc biệt là, nhiều người trong số đó, sau khi trở về nhà, đã nói công khai rằng, các hành động quân sự đều là tội lỗi. Những cựu chiến binh đã phản đối chiến tranh bằng cách ném huy chương và quân phục qua hàng rào trước tòa Quốc hội Mỹ. Gần 130.000 cựu chiến binh trở về nhà với những vấn đề tâm lý đã tự tử.
Hãy nhớ lại những con số thật. Năm 1959, ở miền Nam Việt Nam đã có ít hơn 1.000 cố vấn quân sự Mỹ. Năm 1965, Hoa Kỳ phát động cuộc xâm lăng quân sự trực tiếp, vào cuối năm đó số quân nhân Mỹ đã lên đến 185.000. Và ở đỉnh điểm Hoa Kỳ đã huy động tổng cộng 540 nghìn người sang tham chiến tại Việt Nam. Những người này đã tiêu diệt mấy triệu cư dân Việt Nam, đã gây ra tội ác diệt chủng ở làng Mỹ Lai, đã rải chất độc da cam trên các khu rừng và cánh đồng miền Nam Việt Nam, đã ném bom rải thảm xuống các thành phố ở miền Bắc.
Cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã dẫn đến sự thất bại lớn nhất. Theo ý kiến của nhà khoa học chính trị Nga, bản thân thực tế rằng, Washington ban bố Ngày Cựu chiến binh Việt Nam gần nửa thế kỷ sau khi kết thúc chiến tranh là một nỗ lực mới nhằm thoát khỏi hội chứng Việt Nam, để cộng đồng lãng quên thất bại Việt Nam.
Ông Lokshin nói tiếp, đáng lẽ, thất bại này phải giúp cho giới thượng lưu cầm quyền ở Mỹ rút ra kết luận đúng đắn duy nhất: các vấn đề liên quan đến người dân của một đất nước không thể được giải quyết bằng phương tiện quân sự, bằng sự can thiệp từ bên ngoài. Đáng lẽ, giới cầm quyền của Mỹ phải nhận thức được rằng, chiến tranh không còn là một phương tiện chính trị nữa. Tuy nhiên, họ vẫn chưa rút ra kết luận đúng đắn. Sau Việt Nam, Mỹ đã thực hiện các chiến dịch quân sự ở Liban và Iraq, ở Nam Tư và Afghanistan, ở Panama và Libya — đây không phải là danh sách đầy đủ.
Tại Hoa Kỳ chưa bao giờ hết hội chứng Việt Nam, họ vẫn chưa rút bài học từ cuộc chiến này. Ca tụng những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam là phản tự nhiên, - nhà khoa học chính trị Nga kết luận.