Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Tô Ngọc Thạch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh, nguyên Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã điểm lại những nét nổi bật độc đáo đáng chú ý trong quan hệ song phương Việt Nam-Cuba.
Cuba — luôn chân thành nồng nhiệt phúc đáp đầu tiên
Việt Nam và Cuba chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2 tháng 12 năm 1960. Kể từ đó, đã có những lần đầu tiên đặc biệt: Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), Cuba là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9/1963), Cuba là nước đầu tiên (và duy nhất) lập Đại sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967).
Năm 1967 lần đầu tiên có "Năm Việt Nam anh hùng" tại Cuba, như chủ đề lớn của cả năm. Năm 1972, khi đê điều ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu bắn phá của không lực Hoa Kỳ, Cuba đã là nước đầu tiên lấy ngày 28 tháng 8 năm 1972 làm "Ngày đê điều" và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác đế quốc xâm lược, nhiều công trình dân sinh quan trọng được mang những tên gọi Việt Nam (Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng, Bến Tre)… Lãnh tụ Fidel của nhân dân Cuba khẳng định:
"Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối".
"Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", — câu nói tràn đầy tình nghĩa và nhiệt huyết của Fidel Castro lần đầu tiên vang lên tại Quảng trường Cách mạng José Martí giữa thủ đô La Habana.
Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đích thân đến thăm vùng giải phóng miền Nam vào tháng 9 năm 1973, khi cuộc chiến ác liệt còn chưa kết thúc. Nhà lãnh đạo từ đất nước Cuba xa xôi đã đem đến cho chiến sỹ và nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và tâm nguyện đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ "xây dựng Việt Nam 10 lần to đẹp hơn".
Cũng trong chuyến thăm đầu tiên này, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ thời bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời lập Đội xây dựng và chuyên gia sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; cấp học bổng đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc… Tháng 12 năm 1995 và tháng 2 năm 2003, Fidel Castro tiến hành chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong những chuyến đi này, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam-Cuba tiếp tục được tăng cường và phát triển.
Việt Nam với Cuba: kiên cường, thủy chung, tình nghĩa
Việt Nam luôn bên cạnh Cuba trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, ủng hộ Cuba chống bao vây cấm vận, trong các chiến dịch vận động quốc tế lớn, hợp tác trên các diễn đàn đa phương và Liên Hợp Quốc; hỗ trợ cử chuyên gia nông nghiệp sang Cuba trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp bảo đảm một phần an ninh lương thực của nước bạn…
Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi và chia sẻ với Cuba những kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của Đổi mới (cơ chế quản lý, cổ phần hóa, tài chính — tiền tệ, ngoại giao kinh tế, phòng chống tội phạm…).
Việt Nam cam kết tiếp tục ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cuba, nhất là sự nghiệp Cập nhật mô hình phát triển kinh tế — xã hội vì một nước Cuba xã hội chủ nghĩa phồn vinh và bền vững.
Trong chuyến thăm Cuba lần đầu tiên năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã coi Cuba là một tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quốc tế vô tư trong sáng, ý chí và niềm tin sắt đá vào tính chính nghĩa của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của đất nước và nhân dân.
Có thể nói khó có mối quan hệ nào sánh được với tình cảm đặc biệt của những người anh em, đồng chí dành cho nhau, không chỉ bằng lời nói mà còn là những hành động nghĩa hiệp cụ thể và đúng lúc như mối quan hệ Việt Nam-Cuba.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cuba lần này sẽ mở ra những triển vọng to lớn hơn, nhất là về quan hệ kinh tế — thương mại với Hiệp định Thương mại mới, cùng nhiều ký kết thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD trong thời gian tới (năm 2017, trao đổi thương mại hai chiều đã đạt trên 220 triệu USD). Chuyến thăm với nhiều trao đổi và ký kết thỏa thuận thực chất sẽ làm sống động hơn nữa quan hệ kinh tế — thương mại — đầu tư, ngang tầm với quan hệ chính trị.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dịp rất quan trọng để lãnh đạo hai nước tái khẳng định tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt và đoàn kết gắn bó, trong sáng, mẫu mực, thủy chung, đã trở thành biểu tượng của thời đại và là tài sản vô giá nhất định sẽ được nhân dân hai nước trân trọng bảo tồn và phát huy.