15 công trình khó có khả năng khắc phục PCCC
Chiều 3/4, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay, tính cả năm 2017 và quý 1/2018, toàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 600 tỷ đồng.
Địa bàn cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà dân. Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản chỉ chiếm 2 — 3% nhưng thiệt hại chiếm đến 90%.
Nguyên nhân do sự cố về điện theo tướng Định chiếm tỷ lệ cao hơn 64%, các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình không nhiều nhưng gây hâu quả nghiêm trọng về người, tài sản.
Liên quan đến thông tin 79 công trình vi phạm PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố, tướng Định cho hay, vào cuối tháng 12/2017, sau khi nghe báo cáo về số lượng các công trình vi phạm này, Phó Chủ tịch TT UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã trực tiếp họp với các ngành, lãnh đạo quận, huyện, chủ đầu tư.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP đã giao các đơn vị đến ngày 28/2/2018 phải tiến hành khắc phục toàn bộ các công trình vi phạm PCCC này.
"Tuy nhiên, quá trình thực hiện do có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nên đến ngày 23/3 vẫn còn 31/79 công trình chưa thực hiện được việc khắc phục các vi phạm PCCC. Trong đó, có 4 công trình của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên", ông Định nói.
"Như vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 29 công trình chưa được thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Trong đó, có 15 công trình khó có khả năng khắc phục và CS PCCC Hà Nội đã có văn bản gửi các chủ đầu tư yêu cầu phải có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có báo cáo với Cục CS PCCC để có hướng dẫn cụ thể đối với 15 công trình này. Bên cạnh đó, theo thống kê có 14/29 có khả năng tự khắc phục được và đang tiếp tục được các chủ đầu tư tiến hành làm", tướng Định thông tin..
"Việc chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra là việc bất đắc dĩ, cực chẳng đã, bởi cơ quan điều tra là cơ quan thực hiện tố tụng với đối tượng tội phạm còn đối với các vi phạm về an toàn PCCC theo quy định sẽ xử phạt bằng chế tài hành chính. Đối với hình sự chỉ thực hiện khi có các vi phạm nghiêm trọng. Đối với 3 công trình này, vấn đề vi phạm PCCC đã kéo dài, ý thức khắc phục, tiếp thu kém và dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình sai phạm. Do thấy trước được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời thường của người dân với các vi phạm an toàn PCCC của 3 chung cư này nên UBND TP và các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm hơn", tướng Định nhấn mạnh.
Không phải hạ mức tiêu chuẩn
Vào cuối tháng 3 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an hạ chuẩn phòng cháy cho 17 công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng có vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành.
Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định, đây không phải hạ mức tiêu chuẩn, quy chuẩn mà là thay thế bằng các giải pháp khác tương xứng, thậm chí có thể tăng cao hơn, góc độ chuyên môn kỹ thuật liên quan đến PCCC có thể chấp nhận được.
Đồng thời, theo tướng Định, trong quản lý Nhà nước của các địa phương thì có thể được đề nghị có biện pháp bổ sung thay thế các vấn đề liên quan PCCC.
Theo: Trí Thức Trẻ