Căn cứ vào hình dáng của quả tên lửa, hầu hết ý kiến đều nhận định rằng đây là mô hình chế thử của một loại đạn hành trình chống hạm cận âm hoặc đạn đối đất, thiết kế của nó không giống như quả KCT 15 mà Việt Nam đang nghiên cứu dựa trên nguyên mẫu Kh-35 Uran-E của Nga.
Trước đó đã xuất hiện nhiều thông tin liên quan tới các dự án chế tạo tên lửa của Việt Nam, từ tên lửa chống hạm cho tới tên lửa phòng không tầm thấp, cho nên cũng dễ hiểu tại sao loại tên lửa vừa xuất hiện lại được nhận định rằng có chức năng chiến đấu.
Tuy nhiên thật bất ngờ, loại tên lửa này không phải tên lửa hành trình chiến đấu hay phòng không mà thực ra tên của nó là TV-01, được thiết kế để để mô phỏng trên thực địa quá trình phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh lên quỹ đạo.
Tên lửa thử nghiệm TV-01 có kết cấu 2 tầng động cơ (động cơ phóng, động cơ hành trình) và 1 tầng công tác mang "hộp vệ tinh" đến vị trí xác định trong không gian. Tên lửa thử nghiệm TV-01 đã bay lên được độ cao hơn 4.000 m, tầm xa hơn 3.000 m, thực hiện được các quá trình tách tầng, bung dù thu hồi "hộp vệ tinh".
Việc thử nghiệm tại hiện trường với tên lửa TV-01 nhằm xác định các tham số quỹ đạo chuyển động và vận tốc của tên lửa.
Ngoài ra còn thêm nội dung xác định các thời điểm bẻ nghiêng quỹ đạo, tách tầng, tách hộp vệ tinh từ đó phân tích các số liệu và hình ảnh thu được do hệ thống viễn trắc và hệ thống quan sát tự động ghi được trong quá trình thử nghiệm, tìm nguyên nhân trục trặc kỹ thuật và đề xuất các biện pháp khắc phục, hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo các sản phẩm.
Đây là tiền đề để Việt Nam tiến tới chế tạo tên lửa đẩy hoàn chỉnh để phóng vệ tinh do mình tự sản xuất lên quỹ đạo vũ trụ.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng công nghệ tên lửa đẩy là loại công nghệ lưỡng dụng, có thể dùng để chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa bằng cách thay tầng công tác mang "hộp vệ tinh" bằng đầu đạn, khi đó đây sẽ là vũ khí mang tầm chiến lược.
Theo: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Báo QĐND, Báo Đất Việt