Sáng 18/4, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa đại án Oceanbank ra xét xử phúc thẩm. Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cùng đồng phạm.
Người ngồi ghế chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là thẩm phán Ngô Hồng Phúc. Hà Văn Thắm có 4 luật sư bào chữa, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ Oceanbank) cũng có 2 luật sư. Hơn 10 luật sư khác bào chữa cho các bị cáo còn lại.
Được dẫn giải đến tòa sáng nay, cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm mặc áo sơ mi màu xanh, tinh thần khá thoải mái.
Ngay từ sáng sớm, an ninh trong và ngoài phiên tòa được thắt chặt với nhiều máy soi chiếu an ninh; những người đến tòa đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân từ cổng bảo vệ. Phóng viên được bố trí ngồi ở tầng lửng để theo dõi phiên tòa.
Gần 9h, phiên tòa xét xử phúc thẩm bắt đầu với phần kiểm tra căn cước. Bị cáo Hà Văn Thắm là người trả lời đầu tiên.
Trước đó, trong đơn kháng cáo, bị cáo Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn kháng cáo bản án sơ thẩm tuyên tháng 9/2017 vì cho rằng không phạm tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu (cựu TGĐ OceanBank, bị tuyên phạt 22 năm tù) đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và giảm hình phạt.
Các bị cáo là cựu cán bộ của OceanBank kháng cáo xin được xem xét lại tội danh, giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo, xin được miễn trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trước ngày xét xử phúc thẩm đại án Oceanbank, 5 bị cáo từng có đơn kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự đã bất ngờ rút kháng cáo.
Theo bản án sơ thẩm, vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra liên tục, kéo dài trong nhiều năm. Những vi phạm đó đã vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Toàn bộ số tiền hơn 1.576 tỉ đồng đã được Oceanbank chi trái quy định của Nhà nước và không thu hồi được, đó là hậu quả thiệt hại hiện hữu, đặc biệt nghiêm trọng.
Việc làm trái các quy định của Nhà nước nói trên của các bị cáo còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường tài chính, là nguy cơ làm tăng lạm phát; gây tổn hại nghiêm trọng đến việc thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trước đó, từ 28/8 — 29/9/2017, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm cùng đồng phạm liên quan về các tội "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Gần 1 tháng xét xử, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn mức án chung cho các tội danh là tử hình; Hà Văn Thắm mức án chung thân; Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Văn Hoàn cùng mức 22 năm tù giam.
Bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng tội danh này, bà Hứa Thị Phấn phải nhận mức án 17 năm tù.
Những bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 30 năm tù giam.
Theo: VOV