Liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ — tức Vũ "Nhôm", ngày 17/4, Bộ Công an đã khởi tố 7 bị can trong đó có hai đời Chủ tịch thành phố Đà Nẵng và một nguyên Trung tướng Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình Báo của Bộ công an.
Sự việc này đang thu hút sự chú ý của dư luận vì đây là lần đầu tiên hai đời Chủ tịch của một thành phố lớn như Đà Nẵng bị khởi tố cùng liên quan đến một vụ án và có hành vi phạm tội giống nhau.
Cụ thể, ông Trần Văn Minh nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2006-2011) và ông Văn Hữu Chiến nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2011-2014) đều có hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước sự trùng lặp về tội danh này, dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao cả hai đời Chủ tịch Đà Nẵng lại cùng chung một "vết xe đổ" trong cùng một vụ án?
Không lẽ, đời chủ tịch sau lại "kế vị" hay được "truyền ngôi" tham nhũng của đời chủ tịch trước?
Trước thắc mắc trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phan Xuân Xiểm nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo ông Phan Xuân Xiểm: "Việc hai đời Chủ tịch của Đà Nẵng bị khởi tố trong cùng một vụ án đó là minh chứng cho cái gọi là nhóm lợi ích, ê kíp hay phe cánh mà dư luận vẫn thường đề cập. Tham nhũng đã thành một chuỗi kéo nhau (đồ đệ, hậu duệ, phe cánh) rồi "truyền ngôi", "kế vị" nhau. Do đó, trong chống tham nhũng phải chặt đứt được nhóm lợi ích nếu không tham nhũng vẫn tồn tại, ăn sâu bám rễ vào bộ máy nhà nước".
Theo ông Xiểm: "Đáng lẽ những sai phạm này phải được xử lý sớm hơn thì tốt hơn. Bởi, các sai phạm của những cá nhân trong vụ án liên quan đến Vũ "Nhôm" đã xảy ra từ lâu. Kết quả như hôm nay cho thấy được quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực. Còn nói đúng ra nếu làm kỹ thì vụ việc này phải được xử lý lâu rồi vì có dấu hiệu phạm tội từ lâu. Có lẽ vì lý do nào đó vụ việc này một thời đã làm không triệt để, không đến nơi đến chốn".
Vị chuyên gia này cũng cho rằng: "Qua vụ việc này, một lần nữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần rút ra bài học đó là cần thiết làm nghiêm túc không được né tránh.
Có như vậy Đảng viên mới tránh được phạm sai lầm và các vụ việc sai phạm sẽ sớm bị phát hiện xử lý kịp thời tránh hậu quả nặng nề.
Tôi cho rằng, nếu cán bộ kiểm tra, giám sát họ có trách nhiệm, có tâm làm rõ sự việc sai phạm thì những vụ án như của Vũ "Nhôm" không phải kéo dài lâu đến như thế".
Cuối cùng ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh: "Sau sự việc này không biết nên chia buồn hay vui với Đà Nẵng. Buồn vì Đà Nẵng đã từng có những lãnh đạo sai phạm và gây ra thiệt hại cho xã hội và nhân dân. Vui vì đã phát hiện và xử lý được đúng người, đúng việc, trả lời cho dư luận Đà Nẵng ai đúng, ai sai".
Trước đó, trên công thong tin điện tử Bộ Công an đưa tin, liên quan đến vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", "Trốn thuế", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của Phan Văn Anh Vũ Ngày 17/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành biện pháp tố tụng:
1. Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn, sinh năm 1955, trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an đã nghỉ hưu về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Minh, sinh năm 1955, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2006-2011) về các hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
4. Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến, sinh năm 1954, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2011-2014) về các hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
5. Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Điểu, sinh năm 1958, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng về hành vi "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
6. Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Văn Toán, sinh năm 1957, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng về hành vi "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
7. Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Cảnh Dương, sinh năm 1975, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng về hành vi "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Hữu Tuấn; Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Hữu Bách.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Nguồn: giaoduc