Ai cũng biết, tham nhũng và lộng hành quyền lực là hai căn bệnh được tích tụ từ những năm trước đây đang trở nên ngày càng trầm kha. Căn bệnh ấy đã và đang hủy hoại vai trò tiên phong của Đảng, sự liêm chính của bộ máy Nhà nước, làm tha hóa phẩm hạnh của không ít cán bộ, đảng viên giữ vai trò trụ cột và xói mòn nghiêm trọng niềm tin của Nhân dân.
Có thể dẫn ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, lộng hành quyền lực tràn lan như hiện nay, dưới những góc nhìn khác nhau. Nhưng, chắc chắn, nguyên nhân gốc rễ vẫn là việc lựa chọn nhân sự đảm trách những vai trò rường cột của từng bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, của bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Không ít kẻ, bằng nhiều thủ đoạn gian manh, đã gạt bỏ những bậc hiền tài, trung lương để chiếm đoạt quyền lực, mặc sức lộng hành trong ban phát chính sách, trong đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ từ nguồn "tứ ệ, ngũ c", hình thành nên các nhóm, các tập đoàn lợi ích, bất chấp kỷ cương, phép nước và phản bội sự tín nhiệm của Nhân dân, nhằm đục khoét ngân sách, phá phách tài sản quốc gia, xâu xé doanh nghiệp, hành hạ lương dân.
Cộng đồng xã hội chưa hết kinh hoàng với những vụ đại án đậm sắc tham nhũng như Vinashin, Vinalines, Oceanbank… và mới đây là vụ AVG, thì nay, lại kinh hoàng trước những vụ án lộng hành quyền lực.
Thật kinh hoàng, khi những người đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo công tác tình báo như Phan Hữu Tuấn lại chính là kẻ cố ý làm lộ bí mật nhà nước!
Thật kinh hoàng, khi những người đứng đầu chính quyền một thành phố trực thuộc Trung ương như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, lại là những kẻ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai!
Thật kinh hoàng, khi một kẻ cố ý làm trái kỷ cương phép nước, nhưng đã chui sâu, leo cao vào Bộ Chính trị như Đinh La Thăng, làm Phó ban Tổ chức Trung ương như Trần Văn Minh!
Và khó có thể tưởng tượng nổi, "những cán bộ nguồn" như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo, Huỳnh Thanh Phong, Vũ Quang Hải… sẽ tiếp tục "thăng tiến thần tốc" như thế nào, rồi dẫn dắt bộ máy đảng, chính quyền ra sao, nếu không bị phát hiện và nghiêm trị kịp thời?
Những vụ đại án được khởi tố, đem ra xét xử gần đây đã chứng minh thực tiễn sinh động về sự tồn tại của mối quan hệ đen tối ấy. Nếu không đánh cùng, diệt tận tệ nạn tham nhũng và lộng hành quyền lực, thì hậu quả sẽ hết sức khôn lường cho quốc gia, dân tộc Việt Nam. Đó chính là lý do vì sao Đảng ta lo lắng, Nhân dân ta lo lắng và cả nước chung sức, đồng lòng, anh em hòa mục dưới ngọn cờ của Đảng do Tổng Bí thư phát động trong cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức này.
Chưa bao giờ cuộc chiến chống tham nhũng, chống lộng hành quyền lực trở nên quyết liệt, với cường độ, quyết tâm cao và cũng chưa bao giờ lòng Dân lại thuận theo ý Đảng một cách tuyệt đối như lúc này. Sức nóng của "lò" chống tham nhũng, chống lộng hành quyền lực — nói theo cách ví von của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng — là một minh chứng thuyết phục, khẳng định quyết tâm và ý chí đến cùng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trước kẻ thù nội xâm, đang làm lung lay tính chính danh của Đảng cầm quyền và sự an nguy của xã tắc.
Xếp lại nỗi đau trước sức tàn phá của tệ nạn ấy từ chính những người từng là đồng chí, từng là anh em của mình, muôn người như một, đều hướng về Đảng, chí thành ủng hộ những tuyên ngôn, thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt của Tổng Bí thư với những câu nói đanh thép:
"Lò đã nóng lên rồi, không ai có thể đứng ngoài cuộc"; "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm". Nhiều người đã gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những cái tên trìu mến, rất đỗi gần gũi, như "Người đốt lò vĩ đại", "Bác Cả" "Cụ Tổng" và ví cuộc chiến chống tham nhũng, chống lộng hành quyền lực hiện nay do Đảng lãnh đạo, đang diễn ra với tốc độ "một ngày bằng hai mươi năm" như khí thế sục sôi của đại thắng Mùa Xuân 1975. Ai ai cũng mong muốn diệt nhanh, diệt gọn tệ nạn ấy!
Ý Đảng, lòng Dân là thế! Vậy thì ai sẽ là kẻ đứng ngoài cuộc chiến này?
ĐBQH Lê Thanh Vân
Theo: Dân Việt