Pantsir-S1 là tổ hợp tên lửa phòng không kết hợp với pháo bắn nhanh thuộc hàng độc nhất vô nhị hiện nay. Ngoài phục vụ trong Quân đội Nga thì Pantsir-S1 đã được xuất khẩu ra rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh thành tích đạt được trong diễn tập, các hệ thống Pantsir-S1/S2 mà Nga triển khai tại Syria đã chứng minh hiệu quả tác chiến rất cao ngoài thực địa.
Mặc dù còn có nhiều ý kiến tranh cãi về việc nó có ngăn chặn được tên lửa hành trình của Mỹ trong đợt tấn công mới đây vào Syria hay không, nhưng chẳng thể nào bỏ qua các chiến công đánh chặn rất nhiều đạn pháo phản lực hay máy bay không người lái tìm cách xâm nhập vào căn cứ Hmeimim của Nga.
Cần lưu ý thêm rằng Pantsir-S1 từng được coi là ứng viên hàng đầu cho một vị trí trong lưới lửa phòng không tầm thấp và ngắn để bảo vệ bầu trời Việt Nam, mặc dù vậy sau nhiều kỳ vọng thì cho đến nay hệ thống này vẫn chưa thể có mặt tại Dải đất hình chữ S.
Dễ nhận thấy nếu xét về mục đích sử dụng thì SPYDER-SR/MR chủ yếu được dùng để làm lá chắn phòng thủ điểm, còn Pantsir-S1 hay bố trí kèm theo các hệ thống phòng không tầm xa khác như S-300, S-400 với nhiệm vụ bảo vệ các tổ hợp này.
Ngoài ra, Pantsir-S1 là tổ hợp pháo — tên lửa phòng không tích hợp nên so sánh nó với SPYDER-SR như trang military-informant đã đề cập là hơi khập khiễng.
Sẽ hợp lý hơn khi nói rằng SPYDER-SR được mua về để thay thế các hệ thống SA-13 đã lạc hậu, còn nếu có sự xuất hiện của Pantsir-S1 thì nó sẽ thay thế vị trí của pháo phòng không tự hành ZSU-23-4.
Ngoài ra còn một điều nữa cần nhắc tới đó là giá thành của một quả tên lửa 57E6 trang bị cho Pantsir-S1 rẻ hơn tới vài lần so với đạn Python 5 hay Derby của SPYDER, thích hợp hơn để bắn hạ các mục tiêu có giá trị thấp như đạn pháo phản lực.
Tóm lại với những khác biệt trên, Pantsir-S1/S2 (hay thậm chí là Pantsir-SM) vẫn còn nguyên cơ hội được phòng không Việt Nam đặt mua trong tương lai, kể cả khi chúng ta đã sở hữu các tổ hợp SPYDER-SR/MR cũng rất tối tân.
Theo: Báo Đất Việt