Đây là dự án chung của Liên hiệp tập đoàn Nhà nước «Rostec», chính quyền khu vực Tula và nhà đầu tư tư nhân Mikhail Shelkov, phó chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn VSMPO-AVISMA (tập đoàn thép của Nga).
Một trong những nhiệm vụ của khu công nghiệp sáng tạo là thu hút những người trẻ, khuyến khích thanh niên làm chủ nghề kỹ sư của thế kỷ 21 để quản lý những cơ sở công nghiệp hiện đại. Nhưng, để gợi cho những người trẻ sự hứng thú tiếp nhận kiến thức nên sử dụng các công nghệ đa phương tiện và thậm chí cả yếu tố giải trí. Vì vậy, trên địa bàn "Octava" đã bố trí cả trường cao đẳng kỹ thuật, thư viện kỹ thuật đa phương tiện, cũng như… Bảo tàng Máy móc.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Sputnik, bà Evgenia Babakayeva, Giám đốc Bảo tàng Máy móc,nói về mục tiêu và nhiệm vụ của bảo tàng, về đặc điểm của nó so với các bảo tàng kỹ thuật truyền thống, về những hình thức truyền đạt thông tin:
"Ý tưởng chính của Viện bảo tàng chúng tôi có hai khía cạnh. Vâng, đây là một bảo tàng kỹ thuật, nhưng, với gian trưng bày được cập nhật liên tục. Vấn đề chính của các bảo tàng kỹ thuật truyền thống là ở chỗ: trên thực tế các vật trưng bày ở đó khá nhanh chóng trở nên lỗi thời. Những "bức tranh đông lạnh" trong thế kỷ 21 có vẻ khá lạ. Chúng tôi cố gắng đáp ứng yêu cầu về nội dung cập nhật liên tục để Viện bảo tàng của chúng tôi luôn hiện đại, "sống động" theo nghĩa đen của từ. Theo kế hoạch, các hướng dẫn viên sẽ thuyết trình bài giảng không chỉ về lịch sử ngành công nghiệp Nga và thế giới, mà còn về lịch sử kiến trúc công nghiệp, lịch sử văn học về ngành công nghiệp (bao gồm cả nhật ký cá nhân và hồi ký của những kỹ sư và nhà thiết kế), lịch sử nền văn hóa của nhân loại. Tức là đọc bài giảng về thời kỳ khi vật trưng bày cụ thể trong bảo tàng đã ra đời. Nói cách khác, cỗ máy trong bảo tàng của chúng tôi không chỉ là một vật trưng bày, mà là một hiện vật mô tả giai đoạn phát triển ngành công nghiệp và nhân loại nói chung".
Viện bảo tàng máy móc ở Tula được trang bị kỹ thuật hiện đại. Ở đây sử dụng tất cả các loại phương tiện tương tác. Các phòng trưng bày đều là tối, giống như phòng chiếu phim. Trên màn hình đa phương tiện trong suốt hiển thị thông tin về chủ đề bài giảng. Ở đây cũng có mô hình của những xí nghiệp công nghiệp Nga. Sơ đồ kể về lịch sử của ngành công nghiệp Nga treo trên tường. Trên sơ đồ này có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Bằng cách này những người thành lập viện bảo tàng muốn nói rằng, bất chấp những khó khăn, ngành công nghiệp Nga sẵn sàng để hấp thụ các công nghệ của thế kỷ 21 và nhìn vào thế kỷ 22… Bà Babakaeva nói tiếp:
"Khi mới bắt đầu bố trí các vật trưng bày, chúng tôi đã biết nên bắt đầu từ đâu. Nhưng không biết phần kết thúc phải như thế nào? Phần cuối có thể ở đâu, trong thời đại khi các công nghệ đang thay đổi nhanh chóng? Không thể có phần cuối! Và chúng tôi muốn để du khách nhìn vào tương lai với sự giúp đỡ của "kính thực tế ảo".
Bên cạnh chiếc kính thực tế ảo có những cỗ máy thực tế được sản xuất vào những năm khác nhau, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Tất cả các cỗ máy đều được khôi phục lại và đứng trên bục bệ được chiếu đèn màu sắc khác nhau.
Bà Evgenia Babakayeva nói: "Mỗi vật trưng bày trong Bảo tàng chúng tôi đều có lịch sử độc đáo. Một số cỗ máy đã từng làm việc tại các nhà máy của Tula và những thành phố khác của Nga. Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula cũng đã chuyển giao cho chúng tôi một số đồ vật. Công nhân của thành phố chúng tôi đã khôi phục lại hình dáng nguyên bản của các máy móc. Họ có thể làm như vậy vì rất yêu công cụ máy móc và có hiểu biết trong lĩnh vực này. Và không chỉ riêng những người công nhân… Mới đây tôi đã ghé vào một gian phụ và thấy ở đó… người phụ trách sản xuất các dự án đặc biệt của chúng tôi. Anh ta đã làm gì ở đó? Anh mặc quần áo bảo hộ lao động và làm sạch bề mặt cỗ máy mới được giao, mà đây là trước khi máy này trải qua quá trình phục hồi! Anh ta đã làm công việc này sau giờ làm việc. Đây chính là một người "mang dòng máu Tula " có nghĩa là yêu máy móc kỹ thuật! Tất nhiên, tất cả các máy móc của chúng tôi đều làm việc, nhưng chúng bị ngắt kết nối khỏi nguồn điện theo quy định an toàn. Ở đây có các loại máy: từ những máy CNC phức tạp nhất đến những công cụ cỡ nhỏ trước đây được đặt trong các phòng thí nghiệm của trường đại học".
Rõ ràng là, những người thành lập Bảo tàng và các nhà tài trợ đã thực hiện khối lượng công việc to lớn để tạo ra các gian trưng bày thú vị với nội dung độc đáo. Liệu Bảo tàng có thể hoàn thành nhiệm vụ chính của mình: thu hút sự quan tâm của giới trẻ Nga đến các máy móc kỹ thuất, khiến họ làm chủ nghề công nhân và kỹ sư? Danh hiệu "nghệ nhân" luôn được đánh giá cao ở Tula. Theo truyền thống, những người với "bàn tay vàng" và "đầu óc sáng tạo" luôn được tôn trọng không chỉ ở "thành phố của các nghệ nhân" mà còn ở toàn bộ nước Nga.
"Điều kỳ diệu của Bảo tàng chúng tôi là ở chỗ: nó đưa lên cao nghề công nhân và nghề kỹ sư, giới thiệu về các nghề nghiệp này theo cách khác. Bởi vì trong mấy thập kỷ qua vai trò của người công nhân đã bị hạ thấp phần nào, — bà Babakayeva, Giám đốc Bảo tàng, cho biết. — Chúng tôi cố gắng nâng cao uy tín của các nghề này, để mọi người nhận thức được rằng, công nhân và kỹ sư trước hết là những nghệ nhân. Một trong những dấu hiệu cho thấy rằng bảo tàng của chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ là thực tế rằng, không chỉ những chàng trai trẻ, mà cả những cô gái, những người thường không quan tâm đến máy móc cỡ lớn, thể hiện sự quan tâm lớn, hỏi chi tiết về những thiết bị kỹ thuật. Họ rất ngạc nhiên khi biết rằng chiếc máy này nặng như một con tê giác, và cỗ máy bên cạnh nó áp dụng các giải pháp kỹ thuật và trị giá của nó tương đương với chiếc limousine Rolls-Royce. Nếu nói về các vật trưng bày đa phương tiện, những diễn viên Nga nổi tiếng đã tham gia lồng tiếng các chương trình đó. Điều này cũng thu hút sự chú ý của du khách".