Chiều 3/5, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương) và hơn 20 bị cáo trong đại án Oceanbank kết thúc muộn hơn thường lệ.
22h35, các bị cáo mới nói xong những lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án. Chiều nay (4/5), tòa tuyên án.
'Vợ bị cáo cam kết vay tiền bạn bè để hỗ trợ bồi thường dân sự'
Được nói lời sau cùng ngay sau khi Hà Văn Thắm kết thúc, Nguyễn Xuân Sơn(cựu Tổng giám đốc Oceanbank) chậm rãi bước đi, mang theo tờ giấy đã chuẩn bị sẵn.
Bị cáo 56 tuổi cho rằng bản án sơ thẩm đã khiến ông ta thành hình ảnh quá khác biệt so với nhân cách, đạo đức của bản thân. Dù là lãnh đạo ngân hàng nhưng bị cáo chỉ là người đi làm thuê. Tuy nhiên, kết luận sơ thẩm đã đẩy ông ta lên đến chức vụ ngang hàng với Hà Văn Thắm. Từ đó, dẫn đến trách nhiệm của người này cũng bị đẩy lên cao.
"Khi hỏi, người đó nói nếu anh Sơn đi, quyền lợi của anh em sẽ ảnh hưởng bởi anh Sơn rất chăm lo cho anh em", cựu Tổng giám đốc ngân hàng nói.
"Bị cáo chi cho Vietsovpetro, Bình Sơn… những điều này tài liệu, hồ sơ đã thể hiện rất rõ", Nguyễn Xuân Sơn khai và khẳng định, ông ta đã dùng hết số tiền 69 tỷ đồng để chi theo kế hoạch, không tư lợi. Do đó, bị cáo mong tòa phúc thẩm xem xét.
Với mong muốn được thoát án tử, Nguyễn Xuân Sơn cho hay gia đình đã tự nguyện nộp 5 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, vợ bị cáo cũng cam kết vay tiền của bạn bè để hỗ trợ bồi thường dân sự.
'Bị cáo rất đau đớn'
Bị cáo có mái tóc hoa râm cho rằng án sơ thẩm quy kết ông ta đã chiếm đoạt toàn bộ khoản tiền mà Hà Văn Thắm muốn sử dụng để chăm sóc khách hàng. "Bị cáo thấy đau đớn vô cùng. Sự thật bị có chiếm đoạt hay không, bị cáo xin giãi bày", Nguyễn Xuân Sơn buồn bã, nói.
Liên tục khẳng định bản thân không chiếm đoạt bất cứ khoản tiền nào, bị cáo Sơn cũng cho rằng mình đã thành khẩn khai báo và không hề giấu diếm. Ông ta mong muốn HĐXX coi đó là một tình tiết giảm nhẹ.
Tiếp đó, người mang bản án sơ thẩm nặng nhất trogn đại án Oceanbank cho hay bản thân đã dành trọn thời gian làm việc để cống hiến cho ngành, đạt được nhiều thành tích vì sự nghiệp dầu khí. Do đó, Nguyễn Xuân Sơn nói ông ta cảm thấy rất đau đớn khi bị quy kết đã chiếm đoạt tiền của Tập đoàn dầu khí.
"Trường hợp tòa xét thấy bị cáo không thành khẩn, mong HĐXX hãy cứu lấy linh hồn của một con người", cựu Tổng giám đốc ngân hàng khẩn khoản.
Cuối cùng, Nguyễn Xuân Sơn mong muốn tòa phúc thẩm cho bản thân ông cơ hội để được sống, mong các bị cáo khác được giảm nhẹ tội để tiếp tục cống hiến.
"Bị cáo đang mắc bệnh hiểm nghèo, tai biến có thể đột tử bất kỳ lúc nào. Mong HĐXX rủ lòng thương, nếu kết án hãy cho bị cáo mức án được sống", người từng bị tòa sơ thẩm tuyên án tử cho biết.
Theo luật sư, gia đình ông Sơn đã nộp 5 tỷ đồng, còn doanh nhân Nguyễn Trung Hà (thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt) sẵn sàng bỏ ra 32 tỷ đồng để đủ khắc phục 3/4 số tiền 49 tỷ mà cựu Tổng giám đốc Oceanbank bị cáo buộc tham ô.
Tuy nhiên, luật sư Lại Văn Doãn (Đoàn luật sư Hà Nội) ch rằng việc bồi thường 3/4 số tiền tham ô là chưa đủ để xem xét chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân.
Theo Khoản c Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 về khung hình phạt tử hình quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị áp dụng án tử hình.
Như vậy, ông Sơn chỉ được xem xét chuyển từ án tử hình sang tù chung thân nếu nộp lại tài sản chiếm đoạt, đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn.
Nguồn: Zing, Video Truyền Hình Thông Tấn