Chiều nay 17-5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về phản ứng của Việt Nam đối với trường hợp Nguyễn Hải Long đang bị xét xử, Việt Nam có hỗ trợ gì về mặt lãnh sự không và xin cập nhật thông tin vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.
"Liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, chúng tôi đã phát biểu nhiều lần. Hiện Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước"- bà Hằng nói.
Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) nguyên là chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam — PVC, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Sự việc về Trịnh Xuân Thanh bắt đầu được dư luận quan tâm vào đầu năm 2016, khi ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh khiến dư luận bức xúc. Sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng ngày 9-6-2016 có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc yêu cầu nhanh chóng kiểm tra, kết luận vụ "xe tư nhân gắn biển số xanh".
Ngày 11-7-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận: Trong thời gian từ năm 2007-2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.
Cuối tháng 7-2016: Trịnh Xuân Thanh được cho là rời Việt Nam.
Ngày 15-9-2016, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Nhiều cán bộ của PVC đã bị khởi tố. Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế với lệnh truy nã đỏ.
Ngày 15-3-2017, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án lừa đảo bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội), Hội đồng Xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan nên đã công bố quyết định khởi tố đối tượng này về tội "Tham ô tài sản".
Ngày 3-8-2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2-8 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức về việc một viên chức của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam — Đức.
Ngày 22-1-2018, trong phiên tòa sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Trịnh Xuân Thanh sau đó đã kháng cáo song rút kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm và Tòa án Cấp cao đã chấp nhận đơn xin rút kháng cáo.
Ngày 5-2-2018, tại phiên tòa xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Bất động sản Điện lực Dầu khí (PVP Land), TAND Hà Nội tuyên án Trịnh Xuân Thanh tù chung thân, phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Nguồn: NLĐO