Theo kênh Press TV (Iran), Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi có tiếng súng và các vụ nổ được báo cáo bên ngoài cung điện hoàng gia ở thủ đô Riyadh hôm 21-4.
Không có hình ảnh hay video mới nào về Thái tử bin Salman được truyền thông nhà nước Saudi công bố kể từ sau vụ tấn công. Ông bin Salman thậm chí còn không xuất hiện trên ống kính truyền thông khi Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm đầu tiên tới Riyadh hồi cuối tháng 4.
Mặc dù một số báo cáo cho rằng Thái tử bin Salman đã tổ chức một buổi tiệc tối làm việc với ông Pompeo, song chỉ có hình ảnh về các cuộc gặp giữa nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ với Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir được công bố.
Việc thái tử bin Salman vắng mặt trong thời gian dài không khỏi xuất hiện đồn đoán về số phận của vị thái tử này.
"Bin Salman là người đàn ông thường xuyên xuất hiện nhất trước truyền thông nhưng đã vắng bóng 27 ngày qua kể từ đợt tấn công ở Riyadh. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về cái chết của ông" — hãng tin Fars bình luận.
Trong khi đó, tờ Kayhan (Iran) cho rằng Thái tử bin Salman được cho là đã qua đời vì trúng hai viên đạn trong đợt tấn công hôm 21-4. Theo một số nguồn tin, vụ tấn công hôm 21-4 là một phần trong kế hoạch đảo chính do các thành viên hoàng gia Saudi- những người đối đầu với Quốc vương Salman- tiến hành. Trong khi đó, cũng có một số báo cáo khác cho hay thái tử bin Salman bị trúng đạn khi các vệ sĩ cung điện bắn một máy bay không người lái cỡ nhỏ đang tiến gần tới nơi ở của thái tử bin Salman.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động Saudi nói rằng vụ bắn này không liên quan tới chiếc máy bay không người lái mà đó là cuộc tấn công từ những phương tiện chở súng máy hạng nặng và sau đó nã súng vô tội vạ.
Một số báo cáo nói thái tử bin Salman đã được sơ tán tới một hầm trú ẩn tại một căn cứ quân sự gần đó để được an toàn. Các nhóm đối lập ở Saudi Arabia cũng cho rằng vụ tấn công hồi tháng 4 đã buộc thái tử bin Salman ban hành lệnh cấm các thành viên hoàng gia rời đất nước vì lo ngại cựu thái tử Muhammad bin Nayef đồng thời là anh họ của ông sẽ âm mưu lật đổ vị hoàng thân 32 tuổi này.
Ngoài cuộc tranh giành quyền lực nội bộ bên trong hoàng gia, ông bin Nayef và Mutab Bin Abdullah — con trai của vị Quốc vương quá cố, đều không ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen và cuộc bao vây của Qatar.
Cuộc tấn công vào cung điện hoàng gia Saudi hôm 21-4 xảy ra sau một chiến dịch bắt giữ hàng trăm thành viên hoàng gia cùng các doanh nhân. Phần lớn trong số họ đều được thả ra sau khi đạt được thỏa thuận dàn xếp tài chính với Quốc vương.
Thái tử Mohammed bin Salman (32 tuổi) được coi là nhân vật nắm quyền lực chính trị lớn thứ hai chỉ sau Quốc vương Saudi Arabia. Ông bin Salman được phong Thái tử sau khi Quốc vương Saudi Arabia Salman tước bỏ ngôi vị này từ cháu trai — Mohammed bin Nayef. Thái tử Mohammed bin Salman hiện là người kế vị của Saudi Arabia.
Tuy nhiên, từ trước khi được phong Thái tử, vị hoàng thân 32 tuổi này đã đóng vai trò lớn trong việc điều hành đất nước. Thái tử Mohammed bin Salman được xem là nhân tố chính trong cuộc cách mạng hiện đại hóa Saudi Arabia.
Nguồn: plo