Tạp chí Die Welt vừa đăng bài về "sự hồi sinh" của xe tăng Leopard 2 trong biến thể A7V được thiết kế để phục vụ mục đích "kiềm chế" Nga.
Bài báo lưu ý rằng, những chiếc xe mới có cùng tên với "quái vật bọc thép" A7V — xe tăng đầu tiên của Đức được sản xuất hàng loạt đã từng tham gia Thế chiến thứ nhất.
"Các xe tăng đã thực hiện một cuộc cách mạng trong phương cách tiến hành chiến tranh, với các chiếc xe tăng Hitler đã có thể nhanh chóng xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ vào những năm đầu của Thế chiến II… Xe tăng Tiger và Panther đã được coi là vũ khí hùng mạnh nhất của Wehrmacht" — tờ báo viết.
Bài báo viết: "NATO đang tích cực củng cố kho vũ khí. Nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ các nước thành viên đang ở trọng tâm chú ý của khối Bắc Đại Tây Dương như đã từng có dưới thời chiến tranh lạnh. Những chiếc xe tăng Đức đang hiện diện ở các nước vùng Baltic để kiềm chế nước Nga".
Bài báo cho biết rằng, khác với các mẫu mã xe tăng trước đó, "quái vật bọc thép" hiện đại hoàn toàn được vi tính hóa. Được biết, Leopard 2 A7 nặng 60 tấn, có tốc độ tối đa 70 km/ giờ và thực sự là trung tâm điện toán "biết đi".
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Trung tâm báo chí quân sự-chính trị Boris Rozhin nói lên ý kiến rằng, nước Đức đang cố gắng bắt kịp xu thế phát triển ngành công nghiệp chế tạo xe tăng.
"Sau các trận đánh ở miền bắc Syria, nơi xe tăng Leopard không thu được kết quả đáng kể nào(ngay cả báo chí Đức viết về các vấn đề nghiêm trọng với phiên bản Leopard được sản xuât vào những năm 1990 —2000), các chuyên gia Đức đã nhận thức được rằng, cần phải không chỉ tiếp tục sản xuất phiên bản mới nhất của xe tăng Leopard, mà còn phát triển phiên bản tiên tiến hơn. Phiên bản mới sẽ được nâng cấp động cơ, sẽ có các mô đun để bảo vệ xe tăng khỏi các loại vũ khí chống tăng hiện có và tiềm năng. Đức đang cố gắng bắt kịp các xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, xe tăng Trung Quốc thế hệ mới nhất và xe tăng Nga "Armata" vẫn vượt trước ngành chế tạo xe tăng phương Tây. Trong cuộc đua này, Đức chỉ cố gắng để không tụt hậu", — ông Boris Rozhin nhận xét.
Theo ý kiến của chuyên gia quân sự, báo cáo về việc những chiếc xe tăng mới phục vụ mục đích "kiềm chế" Nga chỉ là hoạt động PR.
"Nói đúng hơn, đây là một yếu tố trong hoạt động PR, vì Đức đang vận động hành lang cho việc thành lập lực lượng quân sự độc lập ở châu Âu để không phụ thuộc vào Mỹ, và họ phải chứng minh rằng, châu Âu có khả năng tự cung tự cấp trong các vấn đề quốc phòng. Các dự án quy mô lớn về phát triển các loại kỹ thuật quân sự sẽ được trang bị cho quân đội Đức và cũng có thể cho quân đội các thành viên khác trong NATO sẽ cho thấy rằng, châu Âu chịu trách nhiệm về việc bảo vệ an ninh và đang thực thi chính sách chống Nga do Mỹ áp đặt ", — ông Boris Rozhin nhận xét.