Tờ báo Trung Quốc cho hay, mới đây biên đội 3 tàu Hải quân Ấn Độ gồm khu trục hạm INS Sahyadri lớp Shivalik, tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta và tàu hậu cần INS Shakti đã cập cảng Tiên Sa của Việt Nam, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày.
Sina nói thêm, Ấn Độ đang chứng tỏ tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới sát Trung Quốc, bằng chứng là sự hiện diện ngày càng thường xuyên của họ tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chính là trọng điểm của chính sách hướng Đông.
Ngoài hợp tác kinh tế, hợp tác quân sự được xác định là nội dung rất quan trọng trong chiến lược của Ấn Độ tại khu vực ASEAN.
Sina dẫn lại nguồn tin từ Jane's Defense Weekly cho biết, Ấn Độ đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 600 triệu USD để mua vũ khí và tiến hành các hoạt động đào tạo sĩ quan tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ và Việt Nam đều có trong biên chế một lượng lớn vũ khí do Liên Xô/Nga sản xuất, sự chia sẻ kinh nghiệm sử dụng sẽ mang lại lợi thế cho đôi bên.
New Delhi đang đào tạo phi công Su-30 hay thủy thủ đoàn tàu ngầm cho Hà Nội, sắp tới khi Việt Nam nhận xe tăng T-90S/SK thì dự kiến Ấn Độ sẽ cung cấp một số dịch vụ liên quan.
Đối với việc mua sắm vũ khí, ngoài tàu tuần tra thì tên lửa hành trình chống hạm BrahMos là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn, đặc biệt khi hiện nay Ấn Độ đã sắp hoàn thành phiên bản phóng từ trên không BrahMos-M có thể trang bị cho tiêm kích Su-30MK2.
Nếu được bổ sung BrahMos-M vào kho vũ khí, sức mạnh của các chiến đấu cơ Su-30MK2 trong Không quân Việt Nam sẽ tăng vọt so với hiện nay. Ngoài ra một số vũ khí khác của Ấn Độ như tên lửa phòng không Akash, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ LCH hay pháo phản lực phóng loạt Pinaka cũng được xem là có tiềm năng.
Trong tuyên bố chung Việt Nam — Ấn Độ, hai bên đã nhất trí tăng cường an ninh hàng hải ở trong khu vực Đông Nam Á, tăng cường giao lưu quân sự, đối thoại và cử tàu đến thăm cảng của nhau…
Nguồn: BaoDatViet