Trong phần bình luận dành cho Sputnik Brazil, giới quân sự nước này đã xác nhận thông tin và cho biết thêm, một nhóm các chuyên gia Mỹ đã được cử tới Brazil để đánh giá tình trạng của các trang thiết bị quân sự kể trên. Nhiều khả năng công việc đánh giá này sẽ được hoàn tất trong vòng tháng 6 năm nay.
Ông Roberto Lopes, nhà báo và chuyên gia về vấn đề vũ trang trong cuộc đàm thoại với Sputnik đã cho biết rằng thực tiễn chuyển giao vũ khí như thế này đã được áp dụng nhiều thập kỷ nay.
«Tại thời điểm này chúng tôi đang nhận phần thiết bị kỹ thuật còn lại của lực lượng vũ trang Mỹ [Excess Defense Articles], tương xứng với khả năng tài chính của quân đội nước tôi, và đây là tình huống "cực chẳng đã". Thực tiễn tiếp nhận vũ khí của Mỹ dựa trên bối cảnh kinh tế. Quân đội Brazil không có đủ kinh phí để mua những loại vũ khí mà theo quan điểm của riêng tôi là phù hợp hơn với yêu cầu của lực lượng vũ trang, ví dụ thay vì bánh xích nên mua vũ khí bánh hơi. Nhưng ở thời điểm hiện tại chúng tôi chưa có đủ điều kiện tài chính», ông Robertu Lopesh giải thích.
"Độ tuổi" trung bình của các thiết bị được chuyển nhượng là 30 năm, nhưng nếu xét theo ngày sản xuất thì những dự án phát triển các thiết bị quân sự này còn lâu đời hơn. Vấn đề đặt ra là Mỹ giao máy móc quân sự cho Brazil với mục đích gì? Theo quan điểm của ông Robertu Lopesh, việc Hoa Kỳ đang cố gắng biến Brazil trở thành phụ thuộc vào Tổ hợp quân sự quốc phòng của mình không có gì là mới.
«Chẳng qua họ chỉ thực hiện nhiệm vụ rất bình thường là cung cấp thiết bị cho những người mà họ gọi là "các dân tộc anh em". Những gì mà họ cung cấp trên thực tế không có gì là đặc biệt».
«Tình huống này là một trong các yếu tố dẫn tới tình trạng, nếu không có nước nào đe dọa chúng tôi ở biên giới, và nếu vũ khí của láng giềng còn cũ kĩ hơn thì quân đội của chúng tôi có thể cho phép mình không đặt việc mua vũ khí tối tân lên hàng đầu», người đối thoại với hãng tin giải thích.
Ưu tiên hàng đầu của Brazil phải là việc thiết lập những lực lượng vũ trang có thể tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
«Chúng tôi cần những lực lượng có thể phục vụ trong LHQ", nhà báo nhấn mạnh, đồng thời nhớ lại sự kiện cách đây không lâu, khi vào hồi tháng Tư quân đội Brazil từ chối tham gia chiến dịch của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Cộng hòa Trung Phi.
Khi đó, một trong những nguyên nhân mà Bộ quốc phòng Brazil nêu ra là không đủ phương tiện và số lượng quân đủ để tham gia can thiệp quân sự ở Rio. Nhưng Ricardo Gennari, giám đốc của Troia Intelligence và một trong những chuyên gia về an ninh hàng đầu của Brazil trong khi bình luận với Sputnik Brazil đã cho biết rằng thực tế là quân đội nước này không sẵn sàng tham gia chiến dịch, cụ thể là không sẵn sàng trước thử thách phải đối mặt với Boko Haram và các nhóm quân sự khác.