ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng cả 2 phương án luật thiết kế (đánh thuế hoặc xử phạt hành chính) đều chưa hợp lý.
Theo ĐB này, để đảm bảo quyền của công dân, tất cả phán quyết về tài sản phải do tòa án, chứ không có cơ sở nào để thu thuế hay phạt hành chính 45%. "Nếu có cơ quan chống tham nhũng riêng, cơ quan đó sẽ yêu cầu giải trình, nếu không giải trình được thì chuyển cơ quan điều tra, chỉ có cơ quan điều tra mới chứng minh được hành vi này và tòa án mới phán quyết được, nên tôi không đồng tình cả 2 phương án", ĐB Vượt nói.
Cùng quan điểm này, ĐB Dương Quốc Anh (Gia Lai) cho rằng ở một số nước, nếu không chứng minh được tài sản là hợp pháp thì sẽ bị tịch thu, nhưng ở VN, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được số tiền đó là rửa tiền, tài sản đó là bất hợp pháp mới thu được. Tuy nhiên, nếu chỉ yêu cầu nộp thuế hoặc phạt bao nhiêu phần trăm mà biến một tài sản phạm pháp thành hợp pháp, vì nếu khi ta đã phạt rồi thì dứt khoát phải công nhận tài sản đó là hợp pháp, thì "rửa tiền ở VN sẽ là rẻ nhất thế giới". Do đó, ĐB Anh đồng ý với hướng phải có điều tra, và số phận tài sản phải do tòa kết luận.
Ngược với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), người đã tham gia thảo luận nội dung này tại thường vụ, cho rằng đây là phương án trung hòa, không vi hiến và vẫn tránh thất thoát trong tình thế các tài sản vẫn "nửa trắng nửa đen". "Việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản với người kê khai nếu cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được số tài sản đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội", ĐB Hải lưu ý.
ĐB Quyền đồng tình phương án đánh thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý. Bởi nếu xử lý hình sự, tịch thu tài sản không đủ cơ sở về mặt pháp lý, thậm chí có thể trái với Hiến pháp về quyền sở hữu tài sản của người dân.
"Coi đó như tài sản vãng lai chưa nộp thuế thì đánh thuế, bổ sung vào luật Thuế thu nhập cá nhân, đánh với thuế suất 45%", ông Quyền đề nghị.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), với tài sản tham nhũng, bị khởi tố trong các vụ án thì không có gì đáng bàn, còn tài sản kê khai không rõ nguồn gốc, không chứng minh được, khi bị phát hiện thì phương án buộc phải nộp thuế là hợp lý, thậm chí phải phạt thêm theo điều khoản của luật Thuế thu nhập cá nhân.
Tổng thanh tra Chính phủ:
"Đánh thuế tài sản bất minh là khả thi"!
Theo: Thanh Niên