1. Một buổi trưa giữa tháng 4-2008, tôi bỗng nghe điện thoại reo với tiếng một người nói nhanh:
"Anh Nuôi, chú Sáu Dân nói chuyện với anh nha!". Đầu dây bên kia cất lên giọng nói sang sảng của chú Sáu Dân — Võ Văn Kiệt: "Ê Nuôi! Mày đang ở đâu vậy, bây giờ bay ngay ra Đà Nẵng gặp chú được không? Chú đang ngồi với mấy anh em các tỉnh miền Trung đây, bàn chuyện khai thác tài nguyên biển. Mấy bữa nay chú đã đi thăm đồng bào bị bão lụt, rồi đi thị sát tình hình kinh tế miền Trung. Chú vừa đi coi mấy làng bè của bà con nuôi thủy hải sản trên biển. Bà con ngư dân có nhiều cách làm ăn hay lắm, Nuôi ơi!…".
Tôi đáp:
"Dạ thưa chú, hôm nay và ngày mai con bận việc cơ quan. Ngày mốt con mới bay ra Đà Nẵng được. Vậy được không chú?". "Ờ, tối mai chú về rồi! Vậy ngày mốt mày gặp chú ở Sài Gòn bàn chuyện khác nhe!" — chú Sáu trả lời.
Chú Sáu nói tiếp: "Có nhiều việc phải làm cho đề án này. Tam Lang lo công tác chuyên môn đào tạo, còn Nuôi lo việc vận động công chúng và quan hệ anh em báo chí nhé!".
Những lúc xe lướt qua dọc đường đê Yên Phụ, chú Sáu chỉ tay, nói:
"Trước đây chú và Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt lắm mới dẹp được nhà cửa lấn chiếm trên đê để xây bờ kè đê Yên Phụ, rồi mở tuyến đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội Bài, thu ngắn tuyến đường từ sân bay Nội Bài về Hà Nội chỉ còn 30 phút thay vì 2 giờ như trước! Chính phủ cũng cho xây dựng đường Láng Hạ-Hòa Lạc để phát triển phía Tây Hà Nội…".
Nghe chú Sáu nói về phát triển thủ đô, tôi chợt nhớ đầu năm 2008, Hà Nội đã công bố dự án mở rộng thủ đô để lấy ý kiến nhân dân. Sau đó, chú Sáu Dân đã viết bài góp ý về phương án mở rộng Hà Nội, đăng trên nhiều tờ báo…
2. Trở về TP.HCM vào đầu tháng 5-2008, tôi hoàn tất các việc phác thảo kế hoạch truyền thông công chúng về quỹ bóng đá và bài phát biểu của chú Sáu Dân trong lễ ra mắt quỹ này rồi gửi đến chú Sáu xem duyệt. Cuối tháng 5, tôi điện thoại hỏi và được anh Trịnh cho biết chú Sáu đang ở Hà Nội dự họp Quốc hội, chú đang nghe thảo luận về đề án mở rộng thủ đô. Nhưng đến đầu tháng 6-2008, chú Sáu trở bệnh nặng, phải vào bệnh viện điều trị. Bất ngờ, vào sáng 11-6-2008, tôi nhận được hung tin chú đã qua đời. Tôi sững sờ đến chết lặng hồi lâu. Tôi đau đớn, hụt hẫng cả tuần, hệt như cảm giác người cha ruột của tôi đã mất đi vài năm trước!
Đồng bào nhiều giới trong nước cùng bày tỏ niềm tiếc thương và lòng tri ân đối với ông, người có nhiều quyết sách táo bạo giúp dân, giúp nước.
3. Nhắc đến chú Sáu Dân — Võ Văn Kiệt, người ta không thể không nhớ đến những quyết sách mang tính đột phá của ông thời "Đêm trước đổi mới". Trong hơn 10 năm ông lãnh đạo TP.HCM, từ tháng 5-1975 đến tháng 1-1987, ông đã có nhiều quyết sách nhằm cởi trói khỏi cơ chế bao cấp, ngăn sông cấm chợ, để bung ra sản xuất, tạo ra của cải hàng hóa, vận hành thị trường theo đúng quy luật cung cầu, quy luật giá trị-giá cả… nhằm cải thiện đời sống người lao động và công nhân viên chức.
Còn nhớ Quyết định 34 của UBND TP.HCM (ban hành ngày 29-1-1986) đã mang tính lịch sử đến nhường nào. Quyết định này cho phép người có tiền vốn và tư liệu sản xuất được thuê mướn công nhân không quá 10 người. Bấy giờ, khi việc thuê mướn người lao động bị cấm kỵ, bị quy kết là "người bóc lột người", rõ ràng chủ trương này của ông Kiệt là một bước đột phá táo bạo về cơ chế và quan điểm.
TP.HCM đang bung sản xuất ra nhưng lại thiếu điện trầm trọng. Ông Kiệt quy tụ các chuyên gia về thủy điện, địa chất cùng ông lặn lội khảo sát khắp núi rừng miền Đông Nam bộ. Rồi ông quyết định xây dựng nhà máy thủy điện Trị An. Thủy điện Trị An được xem là một công trình kỷ lục về thời gian thi công và sự ra đời của Trị An đã cứu nguy cho sản xuất công nghiệp thành phố, góp phần điện khí hóa nhiều khu vực nông thôn Nam bộ.
Tháng 2-1987, ông Kiệt rời TP.HCM ra Hà Nội nhận nhiệm vụ phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng — tức phó thủ tướng — kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đến tháng 8-1991, ông Kiệt được Quốc hội bầu làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và đến năm 1992, ông được bầu làm thủ tướng Chính phủ. Thời kỳ này, tôi và giới nhà báo thường xuyên theo chân ông đến những công trình khai phá, mở mang sản xuất, được chứng kiến và cảm nhận nỗi trăn trở và quyết sách quyết liệt của ông, trong đó có công trình xây dựng đường dây điện quốc gia 500 kV lịch sử. Năm 1994, đường dây điện quốc gia 500 kV hoàn tất, hòa vào mạng lưới điện thống nhất, chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ phát điện phân tán từng địa phương. Một lần nữa tầm nhìn Võ Văn Kiệt, bản lĩnh Võ Văn Kiệt được khẳng định.
Con người ông Võ Văn Kiệt luôn toát lên sự anh minh của một nhà lãnh đạo có tầm và có tâm với đất nước, với nhân dân!
Nhân 10 năm ngày giỗ của chú Sáu Dân — Võ Văn Kiệt, ngày 11-6-2018
Nhà báo Lê Văn Nuôi
Theo: Báo Pháp luật TP.HCM