"Những người Nga phiêu lưu" cũng là câu chuyện tình bạn giữa những người Việt Nam và Nga thế hệ ngày nay, được thắp lửa từ những thế hệ trước, rất ấm áp, thân thương. Với cách thức mới, họ đang tiếp tục giữ ngọn lửa tình bạn đó.
Thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Trước mặt chúng tôi là những hồ nuôi tôm diện tích 2000 — 2500 mét vuông mỗi hồ.
Sáng sớm, những tia nắng đầu tiên mới xuất hiện, trải lên những hàng dừa bên bờ. Một không gian trong lành và thật bình yên!
Hai anh em Nikolai và Oleg Friakin trên đầm đang kiểm tra tôm.
— Khó khăn lớn nhất là lúc đầu chúng tôi không biết gì về nuôi tôm cả. Chúng tôi chỉ có thể hỏi những người biết về nuôi tôm và các bạn Việt Nam. Một số người nói rằng nuôi tôm rất tốt, rất có lợi nhuận, những người khác thì ngược lại, khuyên đừng dính vào, vì rất mạo hiểm. — Anh Nikolai Friakin bắt đầu câu chuyện của mình.
Hè 2008. Nikolai Friakin cùng em trai Oleg Friakin lần đầu tiên sang Việt Nam du lịch. Và tình cờ biết về nghề nuôi tôm ở Việt Nam. Và rồi họ nghĩ, sao không nuôi tôm để xuất sang Nga? Với tính cách «phiêu lưu» hai anh em đã bán kinh doanh ô — tô ở Matxcova, thậm chí chịu lỗ, để lấy tiền sang Việt Nam đầu tư nuôi tôm.
— Rất may là việc giải thích cho bố mẹ, các bà vợ hiểu về «sự mạo hiểm» và «cuộc phiêu lưu» mới của chúng tôi diễn ra thuận lợi. Không có ai phản đối cả, tất cả đều ủng hộ. — Oleg Friakin kể lại.
Lúc đầu chưa biết nuôi tôm, Nikolai Friakin đã dành nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu rất nhiều về nuôi tôm, đọc nhiều tài liệu về cách nuôi tôm. Anh còn gặp các kỹ sư nuôi tôm giỏi ở Quảng Bình, rất chịu khó nói chuyện, hỏi rất chi tiết. Và chỉ sau một thời gian ngắn anh đã nắm được kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng.
— Bây giờ thì tôi đã biết làm vệ sinh hồ như thế nào, thả tôm giống như thế nào, chăm sóc tôm giai đoạn đầu mới thả như thế nào, khi chúng còn nhỏ. Cả việc giải quyết những khó khăn liên quan tới nguồn nước, cả nước mặn, cả nước ngọt. — Anh Nikolai Fryakin chia sẻ với Sputnik.
Tôm hay mắc bệnh. Mùa đông tôm hay bị lạnh, kém ăn, lớn chậm. Những đêm mất ngủ. Những nỗi lo lắng không nguôi. Lo lắng vì lợi ích của bao nhiêu gia đình, bao nhiêu nhân công và của chính mình đều trông vào con tôm.
— Gần 4 năm nuôi tôm, lúc tôm bệnh hoặc chết, hai anh em buồn lắm, nhiều đêm mất ngủ, hút thuốc liên tục. Có khi, giữa đêm khuya gọi nhân công cùng lên đầm kiểm tra. — Anh Phạm Minh Toàn, Giám đốc công ty Hồng Ngọc, Quảng Bình kể chuyện.
Hai anh em người Nga, lúc nắng chang chang, lúc mưa bão, đều cùng làm việc với những người nông dân Việt Nam. Họ sống hòa đồng với những người nuôi tôm Quảng Bình, như thể là người nông dân Việt Nam thực thụ, cũng lặn ao hồ, ăn chung mâm với người làm Việt Nam.
— Mỗi lần đi xa về, hai anh em hay nói, bây giờ sướng nhất là ở đầm tôm thôi, sáng lên ngắm tôm ăn cơm với anh em công nhân, đi ra biển, không khí trong lành, người thân thiện.- Anh Phạm Minh Toàn, Giám đốc công ty Hồng Ngọc nói.
— Hai anh em người Nga qua đây lăn lộn trên ao hồ, quan tâm tới anh em như người Việt Nam mình rứa. — Ông Võ Văn Thuần, nông dân nuôi tôm nói với chúng tôi.
Hai anh em người Nga Nikolai và Oleg đã trở thành con nuôi trong gia đình anh Phạm Minh Toàn. Họ tham gia vào những ngày giỗ, kỵ của gia đình như là những thành viên thực thụ.
Trên đầm tôm, dưới nắng như lửa, một người Nga đầu trần, đi kiểm tra tôm.
Ước mơ xuất được những con tôm này sang thị trường Nga cháy bỏng trong anh.
Tạm biệt chúng tôi, Nikolai chia sẻ:
— Bây giờ chúng tôi hợp tác với anh Trần Đại Ngĩa, "vua tôm" của đất Quảng Bình, đang nuôi tôm ở hơn 20 hồ. Chúng tôi có kế hoạch tăng lên, tham gia với anh Nghĩa nuôi ở tất cả hơn 60 hồ. Hiện nay tôm của chúng tôi đều được nuôi trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Kế hoặch sắp tới đó là đạt chuẩn Globalgap. Chúng tôi cũng sắp hoàn thành đề án xây dựng kho đông lạnh để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Kế hoạch là rất lớn.
Hiện nay, mỗi hồ nuôi tôm của hai anh em người Nga cho sản lượng từ 8 tới 10 tấn một vụ. Họ tự hào vì đang làm nông ở Việt Nam như những người nông dân thực thụ, bởi vì đang làm việc cần thiết cho mọi người — tạo công ăn việc làm cho những người nông dân Quảng Bình.
P.S. Khi chúng tôi vừa hoàn thiện phóng sự này thì nhận được tin từ anh Nikolai Friakin. Anh nói được mời dự hội thảo về ngành tôm. Hai anh em người Nga đang kỳ vọng ở sự giúp đỡ của chính phủ Việt Nam trong nuôi tôm theo công nghệ cao để xuất khẩu.
Bài viết của Hoàng Hoa