Quốc hội vừa thảo luận dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi với nhiều điều khoản mới.
Quy định được quan tâm nhiều nhất có lẽ là đề xuất đánh thuế 45% hoặc tịch thu 45% tài sản của công chức, viên chức có trách nhiệm kê khai mà lại không kê khai số tài sản đó. Đây là đề xuất được nhiều đại biểu và cả công luận đồng tình, tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tính hợp lý, sự phù hợp của quy định này với Hiến pháp và khung khổ pháp luật hiện hành. Nhưng đây là câu chuyện "đeo lục lạc cho mèo": nghe thì có vẻ rất hấp dẫn và hiệu quả, nhưng tính khả thi là câu hỏi lớn nếu các quy định khác không được đồng bộ hóa theo.
Vấn đề đầu tiên là rất khó để phát hiện được khối tài sản không kê khai của các cán bộ, công chức có dấu hiệu tiêu cực. Khi đã có ý định làm "quan tham", hẳn nhiên họ sẽ làm mọi cách đểche dấu những tài sản bất minh. Một khi các chế tài tăng nặng, thì việc truy tìm quan tham sẽ càng khó khăn hơn. Lúc đó, hoặc là các cơ quan phòng, chống tham nhũng sẽ phải hoạt động tích cực hơn, hoặc chúng ta sẽ phải chờ những "sơ hở" từ các cán bộ biến chất, như câu chuyện chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh cách đây hai năm. Điều này hiển nhiên không phải là cách làm hiệu quả để chống tham nhũng.
Đây không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Lý do vì sao tiền mật mã trở thành cơn sốt toàn cầu trong thời gian qua là bởi tính năng không thể truy xuất nguồn gốc của nó, và giao dịch không qua ngân hàng. Khi tham nhũng ngày càng áp dụng "công nghệ cao" như thế, yêu cầu giám sát của cơ quan chức năng sẽ ngày càng tăng. Nhà nước sẽ phải tốn rất nhiều kinh phí để duy trì bộ máy chống tham nhũng để luôn "cập nhật" với thời đại.
Cần phải nhìn nhận rằng tham nhũng gây thiệt hại cho toàn xã hội và vì thế, mọi thành phần khác nhau đều có một phần trách nhiệm chống tham nhũng tùy theo khả năng của mình. Người dân có lợi thế hơn cơ quan công quyền ở chỗ họ phải đối diện hàng ngày với nguy cơ tham nhũng, có "tai mắt" ở khắp mọi nơi, và thường rất nhạy cảm về tiêu cực, bất công. Chính vì thế, tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác phòng chống "quốc nạn" này vừa nâng cao hiệu quả, vừa giúp giảm bớt gánh nặng cho nhà nước.
Trong dự thảo luật mới cũng đã có quy định về công khai — minh bạch, đặc biệt là liên quan đến quy trình, đối tượng, thời điểm, và phương thức kê khai, đồng thời tạo ra khung khổ để cơ quan chức năng theo dõi biến động và xác minh tài sản của công chức (từ điều 42 đến điều 55, mục 3 — 4 trong Dự thảo).
Tuy vậy, một mục quan trọng cũng cần được minh bạch nhưng không được đề cập, như băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội, là hồ sơ thuế thu nhập cá nhân của lãnh đạo. Khi hồ sơ thuế được công khai, sẽ dễ dàng ước tính được mức thu nhập thực tế và từ đó đánh giá tính "trung thực" của các cá nhân chịu điều chỉnh bởi luật này. Dù vậy, đây là một vấn đề khó, bởi sẽ đụng chạm đến quyền riêng tư của công dân. Trên thế giới, chỉ có bốn quốc gia công khai hồ sơ thuế công dân, bao gồm ba nước Bắc Âu (Phần Lan, Na-uy, Thụy Điển) và Pakistan.
Tự nguyện công khai hồ sơ thuế là cách làm phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở Mỹ, trước cuộc bầu cử tổng thống, các ứng viên thường minh bạch hồ sơ thuế trước cử tri. Các đời tổng thống ở quốc gia này, trừ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, thường công khai thu nhập của mình cho công luận. Sau vụ "hồ sơ Panama", các lãnh đạo chính trị ở Anh, gồm Thủ tướng lúc đó là ông David Cameron, cũng đã cung cấp hồ sơ thuế của mình cho các cơ quan báo chí.
Chống tham nhũng là vấn đề nhạy cảm, mang tính tồn vong của mọi hệ thống chính trị. Những nỗ lực vừa qua của cơ quan chức năng là rất đáng nghi nhận, làm trong sạch bộ máy và tái lập niềm tin của người dân. Tuy vậy, để quá trình chống tham nhũng được thực chất thì một vài chiến dịch không thôi là chưa đủ. Cầm phải thể chế hóa việc giám sát của người dân và trách nhiệm giải trình của lãnh đạo ở mức độ cao hơn nữa thì chống tham nhũng mới trở thành một guồng máy tự hoạt động, bất kể với người đứng đầu là ai.
Theo: Vietnamnet