Gần nay trên một số trang mạng đã đưa tin Trung Nguyên cáo buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang sản xuất giả mạo nhãn hiệu G7. Nội dung cho rằng công ty CP Đầu tư Trung Nguyên có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu G7 của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sản xuất tại công ty CP Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang.
Cũng trong thời gian đó, công ty CP Đầu tư Trung Nguyên đã đề nghị Hải quan cho dừng xuất khẩu các lô hàng cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7 từ nhà máy trên. Lý do được công ty CP Đầu tư Trung Nguyên đưa ra là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với các nhãn hiệu của Tập đoàn này.
Những tháng cuối năm 2017, nguồn cà phê xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới bỗng nhiên bị chững lại khi hàng loạt lô cà phê hòa tan G7 sản xuất tại công ty CP Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang bị giữ lại tại nhiều cửa khẩu.
Đây là mùa cao điểm cho cà phê Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường nhân dịp Giáng sinh tại các nước phương Tây và chuẩn bị Tết âm lịch tại các thị trường châu Á lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hongkong…
Cà phê G7 bị đình trệ xuất khẩu suốt 5 tháng liền bởi 3 kết quả giám định
Ngày 6/9/2017, từ đơn yêu cầu giám sát hàng hóa mang thương hiệu Trung Nguyên, G7 của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện theo pháp luật) gửi đến Tổng cục Hải quan, các lô hàng G7 của công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang đang chuẩn bị xuất đi thị trường quốc tế bị đình trệ.
Trong vòng 3 tháng, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ đã ban hành 3 kết quả giám định trái ngược nhau và cuối cùng kết luận rằng các sản phẩm cà phê G7 do Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang sản xuất là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.
Căn cứu trên kết quả giám định này, nhiều kiện hàng cà phê G7 qua các cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Cảng Sài Gòn (Khu vực 1 và 4), Cảng Hải Phòng (Khu vực 1, 2,3) để chuẩn bị xuất khẩu sang các thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.. đã bị tạm giữ.
Thậm chí, một số sản phẩm G7 đang lưu thông tại thị trường nội địa cũng đột ngột bị Cục Quản lý thị trường tạm giữ để kiểm tra vì có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.
Tại sao công ty mẹ (Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên) lại đi tố công ty con (Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên) vi phạm sở hữu trí tuệ và liên tiếp tác động đến các cơ quan chức năng để tạm giữ sản phẩm G7 của mình đã khiến hàng G7 bị đình trệ xuất khẩu?
Nỗ lực bảo vệ thương hiệu G7 và uy tín xuất khẩu quốc gia
Là người đồng sáng lập và đồng sở hữu-điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, nhưng đã 3 năm nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị truất quyền Phó Tổng Giám đốc thường trực, thậm chí không được bước chân về Trung Nguyên.
Để duy trì hệ thống phân phối quốc tế và hoạt động xuất khẩu cà phê đã gầy dựng từ 20 năm qua, bà Thảo buộc phải chọn giải pháp: mua lại chính sản phẩm của mình để tiếp tục xuất khẩu cho các đối tác lâu năm.
Trước tình trạng nước sôi lửa bỏng do hàng hóa đình trệ, thông tin nhiễu loạn từ nhiều nơi, bà Thảo đã đàm phán và đưa ra nhiều giải pháp để trấn an các đối tác quốc tế, đồng thời làm việc với các cơ quan quản lý như Tổng cục Hải quan, Cục quản lý thị trường, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ và Tòa án, các cấp lãnh đạo ban ngành và trung ương kêu gọi bảo vệ và sát cánh cùng thương hiệu Việt.
Đáp lại những nỗ lực để cứu nạn cho uy tín xuất khẩu của Việt Nam, ngày 7/2/2018, Tổng Cục Hải Quan ban hành công văn số 788/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải Quan các tỉnh, thành phố yêu cầu không thực hiện thủ tục tạm dừng đối với những lô hàng mang nhãn hiệu Trung Nguyên, G7.
Đồng thời, Cục quản lý thị trường cũng có công văn yêu cầu ngừng kiểm tra các lô hàng được sản xuất bởi Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang.
Hành động phá hoại khối tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên trong lúc chờ ly hôn
Tinh thần của văn bản 4451/TATP-TLD ngày 22/11/2017 của Tòa án TP.HCM là nhằm khuyến cáo các bên liên quan, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tránh đưa ra những kiến nghị, hành động hoặc các quyết định có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến khối tản sản chung của vợ chồng Trung Nguyên.
Bên cạnh đó, văn bản cũng nêu rõ ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm giữ sở hữu đến 93% tài sản hữu hình và vô hình (bao gồm quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu Trung Nguyên và G7) tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Hiện Tập đoàn Trung Nguyên đang sở hữu 5 nhà máy sản xuất các sản phẩm cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên và G7.
Theo Giấy đăng ký kinh doanh, Công ty Hòa tan Trung Nguyên được thành lập năm 2003 là đơn vị được phép sản xuất các sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan mang thương hiệu G7.
Trong khi đó, công ty CP Đầu tư Trung Nguyên được thành lập năm 2009 là đơn vị giữ quyền sỡ hữu đối với nhãn G7.
Năm 2011 công ty CP Hòa tan Trung Nguyên thành lập Chi nhánh tại Bắc Giang với nhà máy đặt tại khu công nghiệp Quang Châu để sản xuất cà phê hòa tan G7. Chi nhánh tại Bắc Giang cũng được công ty CP Đầu tư Trung Nguyên cấp quyền sản xuất và kinh doanh cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7.
Khi hai vợ chồng trong quá trình ly hôn và chờ kiểm toán tài sản, công ty CP Đầu tư Trung Nguyên liên tiếp tố cáo Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang xâm phạm quyền sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cà phê mang thương hiệu G7.
Phía bà Thảo, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình và tránh trường hợp một bên đơn phương ra các quyết định làm thay đổi khối tài sản, bà đã có đơn gửi đến Chánh án TP.HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên.
Bà Lê Hoảng Diệp Thảo là Đồng sáng lập, Đồng sở hữu tập đoàn Trung Nguyên và điều hành tập đoàn này từ năm 1996-2014. Bà cùng chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm giữ 93% khối tài sản hữu hình và vô hình (thương hiệu Trung Nguyên, G7) tại tập đoàn Trung Nguyên.
Chuyện tố cáo lạ kỳ trong lịch sử kinh doanh khi công ty mẹ tố cáo công ty con sản xuất hàng giả, không chỉ dẫn đến nguy cơ phá hủy hệ thống phân phối quốc tế mà còn hủy hoại uy tín và hình ảnh của thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế.
Gần đây, trên trang fanpage của mình, bà Diệp Thảo liên tục lên tiếng về 4 người trong tổ vận hành đã lợi dụng việc ủy quyền của ông Vũ để thực hiện nhiều hành động chống phá bà Thảo và âm mưu chiếm đoạt toàn bộ Tập đoàn Trung Nguyên.
Theo: Trí Thức Trẻ