Chuyên gia thấy…khó hiểu
Ngày 25/6, CTCP Tập đoàn FLC đã ký thoả thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner để phục vụ cho hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways do FLC sở hữu 100% vốn.
Trị giá thương vụ ước tính khoảng 5,6 tỷ USD. Trước đó vào tháng 3, FLC cũng đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay Airbus A321 NEO trị giá hơn 3,1 tỷ USD.
Ông Trịnh Văn Quyết — Chủ tịch Tập đoàn FLC thể hiện rõ tham vọng của hãng khi cho biết: "Thương vụ với Boeing ký kết hôm nay chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi muốn có hơn 100 máy bay trong tương lai".
Thế nhưng, ngay sau đó, trên tờ báo Washington Post của Mỹ, đã trích lời nhiều chuyên gia nhận định, việc Tập đoàn FLC lao vào ngành hàng không với những thỏa thuận mua máy bay quy mô lớn như vậy là vô cùng rủi ro và bất thường vì chưa trải qua quá trình thử nghiệm thị trường.
Như FLC mục đích của họ là chuyển khách từ resort này sang resort khác, khai thác các chặng như Hà Nội, Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh…các đường bay đang ít hãng khai thác.
Còn các chuyên gia quốc tế họ đánh giá thì cần chú ý, vì lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe theo quy định quốc tế.
"Theo tôi, FLC đã phải cân nhắc nhiều khía cạnh, bao gồm cả các yếu tố rủi ro, mạo hiểm. Đây là phương án nếu mà FLC làm thì sẽ có nhiều sự đánh đổi, đã là thị trường thì phải chấp nhận vì đã tất tay đầu tư, đó là tố chất của nhà kinh doanh", ông Đào nói thêm.
Cũng theo ông Đào, tự bản thân FLC phải tính toán làm cho đúng quy trình mở một hãng bay dân dụng, còn nếu chưa được cấp phép mà đã mua hàng loạt máy bay rõ ràng là khó hiểu.
"Vậy nguồn tiền họ mua máy bay nguồn gốc từ đâu, từ hoạt động kinh doanh hay từ đâu?. Rõ ràng là phải minh bạch nguồn tiền. Nguyên tắc kinh doanh là cần phải có giấy phép, đầy đủ điều kiện, nhất là kinh doanh hàng không", ông Đào nhận định.
Những khát vọng kinh nghiệm từ đầu tư trong quá khứ
Theo ông Tống, khi đầu tư bất cứ lĩnh vực nào thì đơn vị đầu tư luôn phải tính toán lượng hành khách sẽ thế nào, thu hồi vốn ra sao, trong mọi sự tính toán thì luôn có những bài toán rủi ro, không khác gì một canh bạc.
Đối với thị trường hàng không, một hãng bay mới sẽ phải chấp nhận cạnh tranh với các hãng khác, liệu được bao nhiêu % thị trường cũng cần tính toán. Nhất là khi thị trường hàng không sắp tới cả chặng nội địa, quốc tế các hãng sẽ gia tăng thêm chuyến, mở rộng thị trường.
"Nếu là một nhà đầu tư thực sự, là các doanh nhân theo nghĩa sản xuất công nghiệp, thì họ sẽ đầu tư vào phương tiện sản xuất, bán sản phẩm ra thị trường, tức đầu tư dần dần, thị trường lên xuống thì bị lời lỗ chút xíu chứ không liều mạng. Chỉ có kinh doanh địa ốc mới giàu nhanh mà phá sản cũng nhiều. Tôi chỉ băn khoăn vì sao FLC dám mạo hiểm như vậy? Trước đây, Vietjet Air họ cũng mua máy bay Boeing, Airbus đó cũng là mạo hiểm, phát triển nhanh nhưng trong khả năng họ thấy vì đang lấn dần thị trường của Vietnam Airlines, khác với Bamboo, họ phải cạnh tranh với không chỉ Vietjet Air".
Theo: Báo Đất Việt