“Nga-Việt không có vướng mắc lớn, “vấn đề tăng trưởng” đang được giải quyết thành công”

© pixabay.comQuang cảnh thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam
Quang cảnh thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Nhà ngoại giao Nga Konstantin Vnukov ba năm nay đảm trách cương vị Đại sứ Nga tại Việt Nam.

Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền của Sputnik, Đại sứ Konstantin Vnukov cho ý kiến đánh giá về thực trạng và triển vọng quan hệ Nga — Việt, những điểm "vướng mắc" của đối tác song phương và kế hoạch giao lưu chéo Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga 2019.

© Ảnh : Facebook/Russian Embassy in VietnamĐại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov
Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov  - Sputnik Việt Nam
Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov

Hiện trạng và triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt     

Quan hệ của hai nước chúng ta, — ông Konstantin Vnukov Đại sứ Nga tại Việt Nam nhấn mạnh, — luôn nổi bật bởi đặc điểm có sự tin cậy lẫn nhau và liên hệ mật thiết giữa các nhà lãnh đạo của hai nước. Đây là truyền thống vẻ vang, khởi phát và được xây đắp suốt thời kỳ tồn tại của Liên bang Xô-viết. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thành công trong việc hiện đại hoá mối quan hệ này bằng cách cung cấp cơ sở nền tảng pháp lý mới liên tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiệp lực của chúng ta trong mọi lĩnh vực và tiến lên trình độ đối tác chiến lược toàn diện. Theo thực tiễn ngoại giao, đây là mức quan hệ cao nhất giữa hai quốc gia. Cả thảy chỉ có một vài nước mà Việt Nam duy trì mức độ quan hệ như vậy — đó là những quốc gia quan trọng nhất đối với đất nước này. Và tôi rất vui mừng vì Nga thuộc số đối tác của Việt Nam.

Các tiếp xúc của chúng ta đang được mở rộng và tôi cho rằng điều chính yếu là trong những năm gần đây đã nhân lên được cơ sở vật chất mà trước hết là thành tố thương mại-kinh tế trong mối quan hệ của chúng ta. Thành tựu quan trọng nhất là việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) và Việt Nam, quốc gia đầu tiên tham gia kiểu Hiệp định này. Các đồng nghiệp Việt Nam hiểu rõ rằng đối với họ đây là cơ hội to lớn: để có lối thâm nhập một thị trường rộng rãi như vậy. Bởi năm quốc gia của EAEU là Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgyzstan gồm 183 triệu người tiêu dùng, là thị trường lớn hợp tác tốt với Việt Nam.

Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Trần Đại Quang trong điện Kremlin - Sputnik Việt Nam
Tổng thống Nga và Chủ tịch Việt Nam thảo luận về tương tác với EAEU

Các nước bổ sung cho nhau. Đối với chúng tôi, điều này cũng rất quan trọng: cả bởi chúng ta đã thu nhận được những kinh nghiệm đầu tiên từ công việc này, cả bởi thị trường Việt Nam gồm gần 100 triệu người tiêu dùng. Hiệp định phát huy hiệu lực và đưa đến những kết quả khá tích cực. Chẳng hạn, trong năm ngoái, khối lượng trao đổi thương mại lẫn nhau giữa các nước EAEU và Việt Nam đã tăng 36% và theo số liệu cập nhật của Nga, lên tới 5,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch thương mại Nga-Việt lên đến 5,2 tỷ USD. Tất nhiên, con số này chưa phải là lớn, nhưng đó là xuất phát tốt đẹp. Và trong bán niên năm nay kim ngạch thương mại tiếp tục tăng lên không ngừng. Nhờ Hiệp định, chúng ta đã có thể thúc đẩy tiến lên con đường giao dịch thương mại cân đối hơn và mở ra những ngành nghề mới, nơi mà sản phẩm hàng hóa của chúng ta có khả năng cạnh tranh. Đó trước hết là nông sản như lúa mì, các sản phẩm thịt, hàng loạt loại dầu, song hành với sô cô la và rượu vodka truyền thống. Bây giờ chúng ta đã vươn lên vị thế rất nghiêm túc về hàng hóa công-nông nghiệp vốn gần gũi với các cư dân bình thường.

Càng nhiều hàng hóa Nga tại Việt Nam thì ngày càng nhiều người bình thường đón nhận tích cực và ưa thích sử dụng những hàng hóa chất lượng, giá không đắt mà ngon lành này. Hàng hóa Việt Nam cũng vậy, một khi dỡ bỏ rào cản tương ứng với Hiệp định, ngày càng nhiều hàng Việt Nam có mặt trên thị trường Nga. Đó là nông sản và hải sản truyền thống, nhưng cũng có những thứ khác vinh danh Việt Nam như điện thoại di động và linh kiện kèm theo. Giao thương của chúng ta hiện thời chưa hoàn toàn cân đối, xuất khẩu của Việt Nam vượt quá nhập khẩu, nhưng chúng ta đang đi theo hướng đúng đắn và có triển vọng sán lạn cả cho năm nay và trong tương lai.

du khách ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Năm 2020, Việt Nam hy vọng đón 1 triệu lượt du khách Nga

Một hướng rất quan trọng trong công việc chung của chúng ta, theo quan điểm của tôi, là các trao đổi nhân đạo.  Năm ngoái, chúng ta đã lập hai kỷ lục: theo số lượng du khách Nga đến thăm Việt Nam — khoảng 600 nghìn người, và kỷ lục nữa là số du khách từ Việt Nam sang thăm Nga — 100 nghìn người. Tôi  nghĩ rằng, nhờ việc tiến hành Giải Vô địch Bóng đá Thế giới ở Nga, trong năm nay sẽ đạt tăng trưởng đáng kể về du lịch Việt Nam.

Đầu tư là tuyến đường hai chiều

Hướng tiếp theo mà chúng ta đang xúc tiến nghiêm túc là hợp tác đầu tư. Trong những năm nhiệm kỳ của tôi ở Hà Nội, chúng ta đã tiếp tục hợp tác hiệu quả giữa các tập đoàn dầu khí lớn của Nga và Việt Nam. Điển hình sinh động là xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, bất chấp tình hình bên ngoài không thuận lợi, vẫn cho thấy kết quả cao ổn định.

Đầu tư là tuyến đường hai chiều. Minh chứng cho điều đó là sự xuất hiện ở Nga  của tập đoàn tư nhân «ТН» với đề xuất tạo lập các tổ hợp chăn nuôi bò sữa lớn. «ТН» đã triển khai hoạt động ở 4 khu vực của nước Nga: tỉnh Matxcơva và Kaluga, vùng Primorsky  và Cộng hòa Bashkortostan. Tổ hợp ở khu vực ngoại ô Matxcơva đã hình thành, vào mùa thu, tôi đã nhận được lời mời dự lễ đặt viên đá móng xây dựng quần thể của «ТН» ở vùng Kaluga. Tính chung ở đây nói về số vốn 2 tỷ USD do «ТН» đầu tư.

Tôi rất vui mừng là cả các công ty Nga cũng vươn tới Việt Nam. Cụ thể, hiện nay đang thảo luận dự án nghiêm túc về dây chuyền của các công ty lớn từ Nga sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam các loại thuốc men và phương tiện chống bệnh ung thư.

Những điểm "vướng mắc" trong quan hệ đối tác Nga-Việt

Sự hợp tác giữa hai nước chúng ta đang phát triển tốt đẹp, không có vấn đề lớn, có cái gọi là «vấn đề tăng trưởng»  cần giải quyết và đó chính là những gì chúng ta đang tập trung làm cùng nhau. Hiện tại tương tác kinh doanh của chúng ta đang diễn ra theo con đường được kiến thiết tốt của các đề án lớn cũng như hợp tác theo kênh quốc gia, theo tuyến các tập đoàn Nhà nước. Tuy nhiên tôi cho rằng như vậy vẫn chưa đủ để có thể tiệm cận mục tiêu chung của chúng ta — tăng gấp đôi khối lượng thương mại thực tế vào năm 2020 đến 10 tỷ USD. Nếu chúng ta không kết nối vào môi trường đối  tác cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là bộ phận rất năng động cả ở Việt Nam cũng như trong nền kinh tế Nga, và nếu không kết nối thêm một hướng quan trọng nữa — quan hệ liên vùng —, thì khi đó, tôi nghĩ rằng, khó mong đợi bước đột phá nghiêm túc.  Đây là điểm «vướng mắc»  đầu tiên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp nhận quốc thư của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh - Sputnik Việt Nam
Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Nga

Thứ hai — là tình trạng thiếu thốn thông tin của doanh nhân Nga cũng như Việt Nam về tính năng đặc trưng trong thị trường của nhau. Và, tất nhiên, còn thêm đề tài cơ sở hạ tầng — trước hết là sơ đồ vận chuyển. Cần tìm kiếm những sơ đồ mới mà trên bình diện kinh tế sẽ có lợi cho kinh doanh chung của chúng ta. Tôi cho rằng với đà phát triển khối lượng thương mại phải mở rộng việc sử dụng vận tải biển — mọi người thuộc thế hệ cũ còn nhớ rõ tàu bè của Công ty vận tải Viễn Đông làm việc tích cực như thế nào theo hướng Việt Nam. Cũng nên chú ý đến vận tải đường sắt.

Ở đây cũng có những sơ đồ mà chúng ta đang làm việc cùng với các đối tác trong EAEU: tuyến giao thông đường sắt phải chạy từ Việt Nam qua Trung Quốc và Kazakhstan tới Nga rồi tiếp tục tới phương Tây. Tất nhiên, nảy sinh một số phức tạp gắn với chế độ trừng phạt chống Nga do các nước phương Tây và Mỹ áp đặt. Trong chừng mực nhất định, những biện pháp trừng phạt này tác động ảnh hưởng tiêu cực đến liên hệ thương mại-kinh tế của chúng ta với Việt Nam. Cụ thể, chúng ta cần cải thiện hệ thống thanh toán hai chiều trong giao thương. Cũng là công việc chúng ta đang thực hiện bây giờ.

Đầu tư tốt nhất cho tương lai — đào tạo chuyên gia

Một thực tế đòi hỏi chú ý là sự thiếu vắng những người thành thạo ngôn ngữ của đối tác. Mặc dù việc nghiên cứu tiếng Việt tại Nga đang ngày càng được ưa chuộng, đã không phải chỉ có 2-3 trường đại học mà là hàng chục cơ sở dạy tiếng Việt trên cả nước, nhưng dù vậy ở Nga vẫn không đủ các chuyên gia Việt Nam học. Cũng tình trạng như vậy với việc đào tạo các nhà Nga học tại Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ để trong năm học này, Việt Nam tiến lên vị trí hàng đầu về số lượng học bổng được Chính phủ Nga đài thọ — gần 1.000 suất. Và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối này, tức là 1.000 chỉ tiêu học bổng mỗi  năm theo các chuyên ngành quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, cũng như cho quan hệ đối tác của hai nước chúng ta. Tôi cho rằng đó là dạng đầu tư tốt nhất cho tương lai quan hệ Nga-Việt.

«Chiến tranh thương mại» Mỹ-Trung ảnh hưởng thế nào đến quan hệ đối tác Nga-Việt?

Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov cho rằng mâu thuẫn này chỉ vừa khởi phát và còn khó đánh giá đầy đủ, nhưng nó đã bắt đầu gây thương tổn không chỉ cho Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn cho một số nước khác kể cả Việt Nam. Chẳng hạn, đó là mức thuế cao mà Chính phủ Hoa Kỳ ban hành với nhóm sản phẩm này hay nhóm sản phẩm khác, cụ thể là thép. Các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ như vậy trái ngược với quy định của WTO, tất nhiên, sẽ tác động tiêu cực tới giao thương của Nga và Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng ly chúc mừng mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp giữa hai nước - Sputnik Việt Nam
"Quay ngoắt 180°": Trump bất ngờ muốn quay lại TPP
 

Trên bình diện này, chúng ta cần phải hoàn thiện cơ chế thương mại của mình. Cần nhanh chóng khắc phục những điểm "vướng mắc" mà tôi đã nói, và sử dụng khoảng thời gian chúng ta có trước khi bắt đầu hiệu lực của hiệp định ưu đãi thương mại mà Việt Nam tham gia. Cụ thể là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Chúng ta có khoảng thời gian nhất định để Nga cùng với các sản phẩm cạnh tranh của mình có thể củng cố chỗ đứng tại thị trường Việt Nam. Và không được bỏ lỡ khoảng thời gian này, bởi vì đang ngày càng đến gần thời điểm khi Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ của mình sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa từ những nước khác. Phải làm sao để đến thời điểm đó hàng hóa Nga đã trụ vững ở  Việt Nam.

TPP chuyển hóa và RCEP                     

Đồng thời với công việc về TPP chuyển hóa tức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết sau khi Trump quyết định rút Hoa Kỳ khỏi TPP ban đầu, trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang tiến hành công việc tích cực về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực — RCEP. 

Ở hình thái này bao gồm cả các nước thuộc TPP chuyển hóa và những quốc gia  khác, ví dụ như Trung Quốc, vốn không bao gồm trong TPP chuyển hóa. Việt Nam là một thành viên tích cực của cả hai Hiệp định. Công việc theo hai Hiệp định này đang được xúc tiến ở mức độ khác nhau, khó nói khi nào sẽ kết thúc, thậm chí là về TPP chuyển hóa bởi đây là tiến trình khá nghiêm túc để  phê chuẩn văn kiện trong tất cả các nước thành viên. Về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực — RCEP thì thậm chí còn chưa hoàn thành khâu đàm phán.

Hà Nội - Sputnik Việt Nam
RCEP liệu có bóp nghẹt Việt Nam?

Theo dữ liệu hiện có, các cuộc thương lượng đang được thúc đẩy tích cực, những nội dung cơ bản đã được tháo gỡ, nhưng vẫn tồn tại những vấn đề khá nghiêm trọng. Dù sao chăng nữa, cần chờ đợi là trong thời gian sắp tới — năm sau hoặc muộn hơn một chút — cả hai Hiệp định sẽ trở thành hiện thực. Và ở đây, các bên Nga và Việt Nam phải xem xét làm thế nào để thích nghi cơ chế thương mại của chúng ta, tránh khả năng bị tổn thương bởi thỏa thuận này hay hiệp định khác. Tôi nghĩ rằng cả Nga và các đồng nghiệp Việt Nam đều trân trọng mối quan hệ mật thiết và chúng ta luôn có thể đồng thuận về những khía cạnh khác nhau trong công việc chung cả trên cơ sở song phương lẫn đa phương. Nga và Việt Nam thống nhất ở chỗ chúng ta đều phản đối chủ nghĩa bảo hộ, tán thành duy trì cơ cấu WTO, và ủng hộ để cả hai Hiệp định nói trên đều tuân thủ quy tắc hiện có trong WTO. Liệu Nga có tham gia vào các Hiệp định này hay không, — đó là phạm trù vấn đề khác. Nhưng điều chính yếu là để những quy tắc nêu trong các thỏa thuận này không đối nghịch với quy định của WTO.

2019 — Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga

Lần đầu tiên trong lịch sử bang giao, Nga và Việt Nam sẽ tổ chức năm giao lưu chéo 2019.  Điều quan trọng là phải hiểu rằng các lãnh đạo cao cấp của hai nước chúng ta đã nhất trí tổ chức năm giao lưu chéo không chỉ gồm những lễ hội văn hóa riêng biệt nào đó, không phải vậy!

U23 Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đại sứ Nga tại CHXHCN Việt Nam: "Tôi ủng hộ đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup lần sau"

Chúng ta xuất phát từ tiền đề rằng chương trình của năm mà hiện chúng tôi cùng các đồng nghiệp Việt Nam  đang phối hợp nghiên cứu và sẽ sớm đem ra thảo luận, được thiết kế cho cả năm, từ lúc bắt đầu cho đến hết năm.  Và năm giao lưu chéo phải bao trùm toàn bộ các lĩnh vực cơ bản của sự hợp tác giữa hai nước chúng ta.

Cả chính trị, cả kinh tế-thương mại, đầu tư, khoa học-kỹ thuật, cả giáo dục-đào tạo, cả hoạt động nhân đạo và thanh niên, mà nếu thiếu thì chúng ta không thể đảm bảo cho tương lai quan hệ của chúng ta, rồi cả các liên hệ khu vực-địa phương và thể thao — cho đến tận việc tổ chức các trận đấu giao hữu. Tổng thể toàn bộ các mặt công tác đó cần trở thành đóng góp thực tiễn để mở rộng quan hệ Nga-Việt, tạo điều kiện giúp nhân dân hai nước chúng ta hiểu rõ hơn về nhau, và hai quốc gia Nga-Việt Nam càng trở nên gần gũi thân thiết hơn nữa.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала