Vừa qua, dự luật được điều chỉnh thời gian thông qua từ kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) sang kỳ họp sau của Quốc hội. Quyết định này là để các cơ quan có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật cho thật sự chất lượng.
Tài liệu phục vụ việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cũng nêu một số vấn đề trong dự thảo luật được cử tri quan tâm, như việc thành lập đặc khu hiện nay có lỗi thời không, lý do lựa chọn xây dựng 3 đặc khu là gì…
Theo đó, tài liệu nêu rõ, gần đây các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục thành lập thêm các đặc khu hoặc hoàn thiện các thể chế, chính sách áp dụng cho các đặc khu hiện có như Trung Quốc thành lập đặc khu kinh tế Tiền Hải (2013), Hùng An (2017) và bổ sung chính sách đặc khu kinh tế Hải Nam (tháng 5/2018). Một số nước khác như Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản… năm 2015 vẫn tiến hành các công việc trên.
Thông tin được đưa ra là, hiện vẫn có nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục xây dựng các đặc khu kinh tế để phát triển thí điểm thể chế.
Dự thảo luật xác định, ba đặc khu phát triển theo mô hình này (trong đặc khu có khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khu thương mại tự do và các khu chức năng khác) và trọng tâm ưu tiên phát triển các ngành nghề có giá trị gia tăng cao theo xu hướng phát triển của thế giới nêu trên.
Ba nơi này cũng có khả năng phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hoá, khách quốc tế, có khả năng thu hút các dự án áp dụng khoa học công nghệ 4.0 đầu tư quy mô lớn, có khả năng tác động lan toả đến khu vực xung quanh.
Khẳng định việc xây dựng các đặc khu tại Việt Nam là để thí điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tài liệu trên nêu rõ, thành lập các đặc khu tác động tích cực trên nhiều mặt; như tăng trưởng kinh tế cao hơn, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư nước ngoài với công nghệ cao… nhằm đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, góp phần phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo: Dân Trí