Chiều 26/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình — Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138) và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) chủ trì Hội nghị sơ kết trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng của hai Ban chỉ đạo.
Báo cáo tóm tắt tình hình và kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, thời gian qua lực lượng Công an đã xác lập mới hơn 2.000 chuyên án, khám phá và kết thúc 900 chuyên án; khám phá hơn 20.500 vụ phạm pháp hình sự và triệt phá trên 1.000 băng, nhóm tội phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại hơn 2.600 đối tượng truy nã.
Về tội phạm hình sự, tội phạm giết người, giết người cướp tài sản tuy giảm về số vụ nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để giết người, đe doạ giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản chủ yếu liên quan đến hoạt động bảo kê, "tín dụng đen", cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê.
Đặc biệt, lợi dụng việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, người dân ở một số địa phương bị xúi giục, kích động, tụ tập đông người, đập phá tài sản tại trụ sở của cơ quan nhà nước, gây phức tạp về an ninh, trật tự. Tình hình an ninh, trật tự tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đáng báo động. Tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản diễn ra nhiều với hành vi manh động, liều lĩnh, nhiều vụ đối tượng dùng hung khí tấn công nạn nhân để chiếm đoạt tài sản…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ nỗi lo lắng về tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn đến cả vấn đề an ninh quốc gia.
"Vấn đề này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với chế độ, gây mất trật tự khi cái gì cũng thấy giả" — Thượng tướng Tô Lâm nói
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc "cái gì cũng giả" khiến không ai biết đâu là ranh giới chuẩn mực của xã hội, không dám tin ai cả. "Hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành giả, chứng chỉ giả thì đây là vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội" — Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay cho các đối tượng nước ngoài mang hàng giả vào Việt Nam. Các đối tượng đặt hàng từ phía Trung Quốc từ bóng đèn, phích nước, quần áo… nhưng lại dán mác Việt Nam, hướng dẫn sử dụng cũng đều ghi Việt Nam để trà trộn với hàng trong nước.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), trong 6 tháng vừa qua, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xử, hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng diễn ra nhiều nơi.
Đáng chú ý nổi lên tình trạng sản xuất, tiêu thụ thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ ăn, nước uống giả, kém chất lượng, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân như vụ công ty TSC tại Hà Nội, vụ công ty Vinaca tại Hải Phòng.
Nguồn: 24h